Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm nay?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:48, 22/06/2023

Về triển vọng tăng trưởng năm 2023, VEPR đưa ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%, CPI bình quân của năm khoảng 4%.

Chính sách hỗ trợ ít tác dụng nên nhiều doanh nghiệp phá sản

Tại hội thảo "Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2023" diễn ra ngày 22.6, các chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước. Lãi suất giảm liên tục trong những tháng đầu năm và việc gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy các động thái thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỉ đồng là động thái quan trọng để kích cầu nền kinh tế trong bối cảnh cầu trong nước đang có dấu hiệu giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023 là động thái quan trọng của kích cầu trong nước, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ngành du lịch tăng trưởng tích cực và hồi phục là động lực chính cho tăng trưởng khu vực dịch vụ và toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Thêm vào đó, giá cả nhiên liệu thiết yếu như dầu thô vẫn giữ mức giá trung bình khá ổn định ở mức thấp, góp phần giảm chi phí sản xuất cũng như chi phí vận tải và các chi phí liên quan, qua đó góp phần giảm mức giá cả chung…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Căng thẳng chính trị, chiến tranh Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp gây ra những bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục của tăng trưởng toàn cầu.

kt.jpg
Hội thảo "Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2023"

Một số đối tác thương mại chính của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn dẫn đến sự giảm sút nhu cầu hàng hóa xuất khẩu trong nước. Đặc biệt, hiện nay doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế trong giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong những ngành hàng thu hút FDI lớn. Điều này tạo ra thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong sự cạnh tranh và tăng cường xuất khẩu sản phẩm nội địa trên thị trường quốc tế.

“Các ngành sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thì giá cả đầu vào thiết yếu tăng trở lại gây khó khăn thêm cho quá trình hồi phục. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát huy tác dụng trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn bên bờ vực phá sản”, báo cáo nêu.

3 kịch bản cho nền kinh tế

Về triển vọng tăng trưởng năm 2023, VEPR đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%, CPI bình quân của năm khoảng 4%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong điều kiện các yếu tố bên ngoài như chiến tranh Nga - Ukraine, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam; chính sách tài chính tiền tệ được điều hành linh hoạt phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.

Kịch bản cao: Tốc độ tăng trưởng GDP khi đó đạt 6,5%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%. Kịch bản này ít khả năng hơn nhưng cũng có thể xảy khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc là cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hồi phục kinh tế và các chính sách điều hành nhanh chóng phát huy hiệu quả

Kịch bản thấp: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%, tuy ít có khả năng xảy ra, nhưng nếu diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn. Điều này không những sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những trong những tháng còn lại của năm 2023 mà còn là hậu quả xấu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

Báo cáo cho rằng ngoài xuất khẩu, Việt Nam cần chú trọng khôi phục thị trường trong nước, phát huy nội lực của hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước.

“Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đến các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thời gian hoạt động ngắn. Với hơn 97% doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế”, báo cáo nêu và cho rằng ngoài sự thua kém về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thì tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất yếu.

dn.jpg
Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

VEPR cho rằng điều rất quan trọng là cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 cho thấy chính các biện pháp đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và rào cản không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa rất quan trọng để kéo lại niềm tin của dân và doanh nghiệp vào sự phục hồi, phát triển kinh tế năm 2023.

Điều này góp phần thúc đẩy dòng vốn lành mạnh trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó hạn chế các nguy cơ bong bóng tài sản (đặc biệt là bất động sản như thời gian qua); qua đó góp phần khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đảm bảo an ninh và an sinh xã hội.

Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế nói chung, để phát huy sức mạnh nội lực của hệ thống doanh nghiệp trong nước, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

VEPR cho rằng hiện nay các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách. Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan tỏa cao và tập trung vào 2 khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

“Cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”, tháo gỡ ách tắc đầu ra xuất khẩu”, báo cáo nhận định và nêu thêm cần chú trọng cải cách và lành mạnh hóa thị trường tài chính để thu hút nhanh chóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn.

Hoài Lam