Bảo vệ trẻ vị thành niên, thanh niên khỏi bạo lực trên cơ sở giới và tảo hôn tại Hà Giang
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:12, 24/06/2023
Trẻ em dân tộc thiểu số đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa
Khảo sát của Tổ chức Plan International thực hiện năm 2020 tại tỉnh Hà Giang, trong và sau đại dịch COVID-19, trẻ vị thành niên dân tộc thiểu số ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục và các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc; qua đó càng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.
Các chuyên gia cho rằng, các dịch vụ cơ bản liên quan tới giáo dục bảo vệ trẻ em còn chưa được hoàn thiện đầy đủ; chưa có nhiều cơ hội nguồn lực để trẻ em dân tộc thiểu số có thể trở thành những tác nhân tạo sự thay đổi tích cực trong trường học cũng như trong cộng đồng. Ngoài ra, hiểu biết, cũng như năng lực về giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực trên cơ sở giới của cha mẹ/người chăm sóc trẻ, giáo viên/nhân viên nhà trường còn hạn chế…
Nghiên cứu của Plan International Việt Nam thực hiện tại Hà Giang năm 2022 cũng cho thấy trong và sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn vẫn đang ngày càng gia tăng, đây vẫn đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn tại tỉnh Hà Giang.
Ông Mao Quốc Toản – Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang cho biết, trong những năm gần đây, quyền trẻ em, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em ngày càng được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn các em nhỏ đang phải sống mất an toàn và thiếu lành mạnh, vẫn còn phải đối diện với nguy cơ, hiểm họa như bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, xâm hại tình dục trẻ em, tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống.
Khởi động 2 dự án, nâng cao khả năng tự bảo vệ
Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đã phối hợp cùng Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động 2 dự án “Trẻ em gái vị thành niên được học tập, được bảo vệ khỏi bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19” và “Bảo vệ trẻ vị thành niên, thanh niên trong độ tuổi 11 - 24 tại Hà Giang, hướng tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Cụ thể, Dự án “Trẻ em gái vị thành niên được học tập và được bảo vệ khỏi bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19” thực hiện trong 2 năm (từ 2023 - 2025) tại hai huyện Mèo Vạc, Yên Minh của tỉnh Hà Giang, với sự tài trợ của Tập đoàn Beiersdorf thông qua Văn phòng Plan International Đức.
Tại dự án này, Tổ chức Plan International mong muốn nâng cao nhận thức và hỗ trợ kỹ năng cho trẻ em gái vị thành viên, giúp các em được đi học và có khả năng tự bảo vệ mình khỏi bạo lực trên cơ sở giới. Điển hình như trẻ vị thành niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi 10 – 18 được nâng cao kiến thức về giáo dục bình đẳng giới…; trẻ em gái vị thành niên từ 10 – 15 tuổi được hỗ trợ tiếp tục đến trường.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ kết hợp với chính quyền địa phương các cấp cùng các cơ quan có thẩm quyền, giúp trẻ em gái vị thành niên được tiếp cận giáo dục bình đẳng giới và được bảo vệ đầy đủ. Phòng tư vấn học đường được củng cố, nâng cao chất lượng để trở thành địa chỉ tin cậy hàng đầu của thanh niên dân tộc thiểu số trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Dự án “Bảo vệ trẻ vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi 11 - 24 tại Hà Giang, hướng tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” được thực hiện trong 3 năm (từ 2023 - 2026), tại hai huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang, với sự tài trợ của Công ty TNHH Uniqlo thông qua Văn phòng Plan International Nhật Bản.
Đúng và rất trúng những chủ đề mấu chốt
Theo ông Đặng Quốc Việt – Quản lý chương trình từ Văn phòng Plan International Quốc gia, mục tiêu chương trình 5 năm giai đoạn 2021 - 2026 của Plan tại Việt Nam là “Trẻ em gái Việt Nam là nhân tố chính của sự thay đổi trong việc thực hiện các quyền của mình”.
“Tổ chức Plan International tại Việt Nam luôn đồng hành cùng cơ quan hữu quan các cấp từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức đối tác, trẻ em, gia đình và cộng đồng, hướng tới mục tiêu hỗ trợ 2 triệu em gái có thể học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển”, ông Việt nhấn mạnh.
Về phía Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, ông Lâm Thế Hùng – Phó giám đốc Sở chia sẻ, Tổ chức Plan đã chọn rất đúng và rất trúng những chủ đề mấu chốt khi xây dựng dự án. Nội dung 2 dự án rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và điều kiện thực tế trong thời gian thực tại tỉnh Hà Giang.
Theo ông ông Hùng, ở dự án thứ nhất, chủ đề mà Tổ chức Plan tại Việt Nam lựa chọn là bạo lực trên cơ sở giới, bám rất sát vào chủ đề trọng điểm của Bộ GD-ĐT liên quan tới tăng cường phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục những năm gần đây.
Nội dung của dự án thứ hai liên quan tới vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng là một trong những trọng tâm được đề cập trong Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030.