NASA ‘khai tử’ dự án máy bay điện
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:30, 25/06/2023
Trước đó NASA hy vọng chiếc đầu tiên, chạy hoàn toàn bằng động cơ điện và pin, sẽ cất cánh trong năm nay. Máy bay dự kiến được chế tạo theo thiết kế Mod 2 với hai cánh quạt.
Lý do đằng sau quyết định chấm dứt chương trình là vấn đề an toàn và thời gian. Theo giám đốc Trung tâm nghiên cứu bay Armstrong thuộc NASA Bradley Flick: “Thật không may, gần đây chúng tôi phát hiện ra một dạng lỗi tiềm ẩn trong hệ thống động cơ đẩy đem đến rủi ro không thể chấp nhận cho an toàn của phi công lẫn của nhân viên mặt đất trong quá trình thử nghiệm trên mặt đất. Nỗ lực sửa lỗi sẽ khiến dự án kéo dài thời gian quá cuối năm tài khóa này. Vì vậy NASA quyết định kết thúc dự án đúng hạn mà không đưa phương tiện vào hoạt động”.
Trước đó chương trình đã gặp phải nhiều thách thức. Điều tra viên Sean Clark vào tháng 1 nói với Popular Science rằng các module bán dẫn trong bộ biến tần liên tục bị lỗi và “nổ tung” lúc thử nghiệm. Vấn đề này sau đó được giải quyết.
Vấn đề lớn hơn nằm ở động cơ. Ông Clack cho biết: “Khi đi sâu phân tích và đánh giá khả năng động cơ, chúng tôi nhận thấy vài dạng hỏng hóc cơ học tiềm tàng dưới điều kiện tải trọng bay. Chúng tôi có một thiết kế để khắc phục nhưng quá trình xem xét rồi chế tạo mất quá nhiều thời gian”.
Hiện NASA còn 2 chương trình máy bay dòng X khác. Chiếc X-59 - máy bay siêu thanh giảm chấn đầu tiên trên thế giới - dự định cất cánh trong năm nay. Còn mẫu X-66A tốc độ cao, giảm thiểu khí thải, tiết kiệm năng lượng phải chờ đến năm 2028.