Thắng lợi và rủi ro của Tesla khi đạt thỏa thuận với GM, Ford về bộ sạc cho xe điện
Thế giới số - Ngày đăng : 20:00, 27/06/2023
Bà Mary Barra (Giám đốc điều hành General Motors) và ông Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) là đối thủ kinh doanh, nhưng họ có vẻ giống hai người bạn lâu năm khi trò chuyện trên Twitter vào tháng này về thỏa thuận có thể giúp loại bỏ một trong những rào cản lớn nhất với việc sở hữu ô tô điện: Thiếu bộ sạc.
General Motors (GM) đồng ý tiếp bước Ford Motor trong việc áp dụng công nghệ sạc do Tesla phát triển. Các thỏa thuận sẽ cho phép khách hàng GM và Ford sử dụng một số bộ sạc nhanh của Tesla. Theo các cuộc khảo sát, sợ không tìm được trạm sạc là lý do chính khiến một số người ngần ngại mua ô tô điện.
Mary Barra nói về "đội ngũ tuyệt vời tại Tesla", còn Elon Musk cho biết "thật vinh dự" khi được làm việc với bà.
Theo tờ The New York Times, đằng sau những lời lẽ lịch sự đó là toan tính của các công ty. General Motors, Ford Motor và nhiều công ty sạc điện cũng như nhà cung cấp thiết bị đã đồng ý hợp tác với Tesla vì rất cần sự giúp đỡ của công ty do Elon Musk điều hành. Ngoài việc bán nhiều xe điện ở Mỹ hơn tất cả nhà sản xuất ô tô khác cộng lại, Tesla còn vận hành mạng lưới sạc nhanh lớn nhất nước.
Quyết định hợp tác với Tesla đi kèm những rủi ro lớn với phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô về công nghệ thiết yếu, vốn sẽ phụ thuộc vào Elon Musk - nhà lãnh đạo vốn hay thay đổi.
Hệ thống sạc độc quyền của Tesla, được gọi là NACS (tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ), không được giám sát bởi một tổ chức độc lập như các tiêu chuẩn kỹ thuật khác. Tesla cho biết dự định trao quyền kiểm soát cho một tổ chức như vậy, song các đối thủ cạnh tranh đang hoài nghi về mức độ kiểm soát mà công ty của Elon Musk sẽ nhượng bộ.
Thỏa thuận với General Motors, Ford Motor cũng đi kèm với rủi ro cho Tesla. Quyền sử dụng độc quyền các trạm nhanh Tesla từng là một trong những lý do khiến khách hàng mua ô tô điện của hãng này. Do đó, những người sở hữu ô tô điện Tesla có thể cảm thấy khó chịu khi phải đợi phía sau tài xế xe điện Ford Motor và General Motors ở trạm sạc.
Các cuộc chiến về tiêu chuẩn kỹ thuật là phổ biến với bất kỳ công nghệ mới nào. Kết quả có thể gây đau đớn cho các công ty hoặc người tiêu dùng đặt cược sai vào “con ngựa trên đường đua”. Nếu chưa tin, bạn chỉ cần hỏi bất kỳ ai đã mua hoặc đầu tư vào máy quay video, ĐTDĐ hoặc máy nghe nhạc kỹ thuật số mà sau này trở nên lỗi thời.
Rủi ro với ô tô điện cao hơn nhiều vì chúng có giá hàng chục ngàn USD. Việc thay thế các phương tiện mang động cơ xăng bằng các mẫu xe điện là quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Một số quan chức trong ngành lo ngại rằng cuộc chiến hỗn loạn giữa các hãng về công nghệ sạc có thể khiến người dân do dự khi mua ô tô điện.
“Nó tạo ra sự nhầm lẫn”, Oleg Logvinov, Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của tổ chức Charging Interface Initiative, nói. Charging Interface Initiative là diễn đàn cho các hãng sản xuất, nhà cung cấp thiết bị và các công ty sạc sử dụng CCS (hệ thống sạc kết hợp), tiêu chuẩn sạc cạnh tranh chính với NACS của Tesla.
“Người định mua ô tô điện có thể sẽ đợi cho đến khi tìm ra bên nào chiến thắng”, Oleg Logvinov nói thêm.
Ngoại trừ Tesla, Ford Motor cùng General Motors và hầu hết nhà sản xuất khác đã chế tạo ô tô điện với phích cắm CCS, tiêu chuẩn ở châu Âu. Mạng sạc do các công ty Mỹ như Electrify America và EVgo điều hành chủ yếu cung cấp phích cắm CCS.
Phích cắm của Tesla nhẹ hơn và dễ sử dụng hơn nhưng chỉ phù hợp với ô tô điện của hãng này. Theo thỏa thuận với Ford Motor và General Motors, Tesla sẽ cung cấp một bộ chuyển đổi vào đầu năm 2024 cho phép ô tô từ hai nhà sản xuất đó kết nối với khoảng 12.000 bộ sạc nhanh của Tesla tại Mỹ. Năm 2025, Ford Motor và General Motors có kế hoạch tạo ra các mô hình được thiết kế để sử dụng phích cắm Tesla mà không cần bộ chuyển đổi.
Thỏa thuận giữa Tesla, Ford Motor và General Motors buộc các nhà điều hành mạng lưới sạc phải lắp đặt các phích cắm Tesla và có thể khiến CCS lỗi thời trong những năm tới, ít nhất là ở Bắc Mỹ. Rivian (công ty ô tô điện nhỏ hơn) tuần trước cho biết sẽ chuyển sang phích cắm của Tesla, và các nhà sản xuất khác cũng đang cân nhắc làm như vậy.
“Với chúng tôi, điều quan trọng là phải đảm bảo việc sạc ô tô điện thực sự dễ tiếp cận và dễ dàng cho khách hàng”, R.J. Scaringe, Giám đốc điều hành Rivian, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Khi phích cắm Tesla trở nên thống trị, những người có ô tô điện được thiết kế để sử dụng phích cắm CCS sẽ ngày càng phụ thuộc vào bộ chuyển đổi. Vì mục đích an toàn, bộ chuyển đổi này bị giới hạn về điện áp và sẽ hỗ trợ sạc chậm hơn.
Hệ thống sạc nhanh của Tesla được biết đến là dễ sử dụng và đáng tin cậy, trong khi CCS có thể phức tạp. Thất vọng với mạng lưới sạc hiện có rõ ràng là một lý do khiến Ford Motor và General Motors quyết định hợp tác với Tesla.
“Tôi hoàn toàn không nghĩ điều này sẽ xảy ra nếu các mạng khác đáng tin cậy hơn”, Ben Rose, Chủ tịch của Battle Road Research - hãng theo dõi ngành công nghiệp ô tô điện, nhận xét.
Một lý do khiến hệ thống sạc nhanh của Tesla hoạt động tốt là vì nó có cùng công ty thiết kế và sản xuất toàn bộ hệ thống - ô tô điện, phần mềm và phần cứng sạc. Tesla sẽ mất quyền kiểm soát tuyệt đối khi các nhà sản xuất ô tô khác tham gia vào mạng lưới sạc của mình.
Vận hành những bộ sạc có thể cung cấp điện cho hàng chục ô tô điện của nhiều nhà sản xuất khác nhau là điều vô cùng khó khăn.
"Chúng tôi phải sạc cho 50 mẫu xe khác nhau", Cathy Zoi, Giám đốc điều hành công ty sạc EVgo nói với khán giả tại thành phố New York (Mỹ) trong tháng này. Các nhà sản xuất đôi khi không thông báo cho EVgo về các thay đổi trong phần mềm xe, dẫn đến vấn đề kết nối. “Thế là bộ sạc bị đem ra đổ lỗi”, Cathy Zoi nói.
Tesla đã xây dựng một mạng lưới sạc vì có ít nơi để sạc vào năm 2012 khi bắt đầu bán Model S, chiếc ô tô điện chở khách cỡ lớn đầu tiên của hãng. Tesla không tiết lộ thông tin tài chính về mạng lưới sạc, nhưng các nhà phân tích cho rằng công ty có thể mất tiền khi cung cấp dịch vụ sạc để thúc đẩy người mua ô tô điện của họ. Tesla không đưa ra bình luận về chuyện này.
Tesla có 19.700 bộ sạc trên khắp Mỹ tại khoảng 1.800 trạm, trong khi có 10.500 bộ sạc CCS ở 5.300 trạm, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Chỉ 12.000 bộ sạc Tesla sẽ được dành cho tài xế ô tô điện Ford Motor, General Motors và Rivian.
Việc các nhà sản xuất ô tô khác quyết định liên minh với Tesla và tạo doanh thu cho đối thủ cạnh tranh là sự thừa nhận rằng công ty của Elon Musk có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc vận hành mạng lưới sạc.
Elon Musk hứa sẽ không gây khó khăn cho khách hàng Ford Motor và General Motors, còn các công ty ô tô khác nói rằng họ tin Giám đốc điều hành Tesla.
"Một khách hàng General Motors sẽ được đối xử như khách hàng Tesla và đó là một phần của thỏa thuận", Alan Wexler, lãnh đạo General Motors tham gia đàm phán với Tesla, nói với các phóng viên tại New York trong tháng 6.
Thế nhưng, không rõ ai sẽ đảm bảo rằng thiết bị sạc an toàn và hoạt động tốt với ô tô điện Ford Motor và General Motors như với xe điện Tesla, và ai sẽ là trọng tài giải quyết các tranh chấp giữa Tesla với các hãng ô tô khác.
Tesla đang tiến hành đàm phán với Charging Interface Initiative để xem xét việc chỉ định tổ chức này đóng vai trò tương tự cho công nghệ của hãng như đã làm với CCS. Tuy nhiên, Elon Musk từng phê phán CCS là sản phẩm lỗi của Charging Interface Initiative, cho thấy ông có thể thích một tổ chức khác hơn.
Các đối thủ đang đặt cược rằng các cơ quan quản lý của chính phủ Mỹ sẽ vào cuộc nếu Tesla cố gắng tạo ra sự độc quyền về hạ tầng sạc. Một số người tỏ ra mừng khi có ai đó đang đi đầu để loại bỏ một rào cản lớn với việc bán ô tô điện.
Brendan Jones, Giám đốc điều hành Blink Charging - công ty có kế hoạch lắp đặt các phích cắm Tesla trong mạng của mình, cho biết: “Chúng tôi thực sự đang ở trong giai đoạn tăng trưởng nhanh này. Điều đó thực sự sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp tiến lên phía trước".