Đã có 13 dự án điện tái tạo được phát điện thương mại lên lưới
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:40, 27/06/2023
Bộ Công Thương vừa cho biết, tính đến ngày 27.6 đã có 13 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 640,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.
Lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 26.6 đạt khoảng 68,6 triệu kWh. Trong đó, lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng lượng điện được huy động.
Đến nay, có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó có 59 dự án (tổng công suất 3.211,41MW) đã đề nghị giá tạm tính bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành việc đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 57/59 dự án, trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án.
19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy, 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 15 dự án với tổng công suất 882,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Hiện nay, EVN tiếp tục đề nghị các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn lại sớm nộp hồ sơ để đơn vị này xem xét thỏa thuận giá tạm thời cho các nhà máy. Sau khi đàm phán xong và thống nhất, giá sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới (đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định).
Liên quan đến tình hình phát triển nguồn cung ứng điện, mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Trong Dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà và các yêu cầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt theo quyết định này trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đề xuất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thoả thuận đấu nối. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt trước đây đáp ứng điều kiện là đối tượng của quyết định này thì được áp dụng quy định này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nêu rõ tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Tại Quy hoạch Điện 8 đã được Thủ tướng phê duyệt, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam được xác định khoảng 963.000MW, trong đó, điện mặt trời mái nhà khoảng 48.200MW.
Quy hoạch xác định ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.