Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn thừa nhận ‘đã không giữ được mình’
Sự kiện - Ngày đăng : 18:50, 28/06/2023
Chiều 28.6, HĐXX Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội tuyên bố phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) và 6 bị cáo khác về tội “Tham ô tài sản” kết thúc phần tranh luận.
Các bị cáo mong được giảm nhẹ hình phạt
Trước khi HĐXX vào nghị án và tuyên án chiều 29.6, các bị cáo được nói lời sau cùng. Là người đầu tiên nói, bị cáo Phạm Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng) thừa nhận sai phạm và thực sự hối hận, chỉ mong được HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Bị cáo Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết trong nhiều năm công tác, đây là lần đầu tiên vi phạm pháp luật nên bị cáo thấy rất áy náy và ân hận vô cùng, ân hận suốt cả cuộc đời. Cũng như bị cáo Hậu, bị cáo Đồng mong được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị Viện kiểm sát xác định là người chủ mưu, khởi xướng trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) nói: “Tôi là người có tội và xin nhận lỗi trước Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trương ương, Bộ Tư lệnh, các cán bộ, chiến sĩ; xin lỗi quê hương, nhân dân, dòng họ”.
Theo lời ông Sơn, dù tòa chưa tuyên án nhưng tòa án lương tâm đã tuyên, bản thân không bao giờ tha thứ cho mình; tâm niệm của bản thân là sẽ cải tạo, chấp hành tốt. Cuối lời, vị cựu tư lệnh giãi bày: “Bị cáo đã không giữ được mình, không giữ được nguyên tắc nên làm liên lụy tới các bị cáo khác, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho họ”. Về bản thân, ông Sơn cũng mong được HĐXX xem xét, cân nhắc những ý kiến của luật sư trước khi tuyên án.
Về phần mình, theo bị cáo Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy), bản thân là cán bộ của Đảng, là người hoạt động trong môi trường quân đội nhưng sai phạm của mình đã làm ảnh hưởng tới quân đội, đơn vị đang công tác.
Trước tòa, bị cáo Quyết gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, quân đội, cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển. Theo lời ông Quyết, lực lượng cảnh sát biển luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng sai phạm của bị cáo đã vô tình để lại vết đen; qua đây bị cáo mong những đồng đội đi trước, những người đang công tác, những cán bộ về sau hãy bỏ qua cho các bị cáo.
“Đây là vi phạm lần đầu, vi phạm duy nhất. Sau khi biết sai, tôi đã tự nguyện khắc phục hậu quả; tự làm bản kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật, chấp hành nghiêm túc. Tôi đã thành khẩn khai báo”, bị cáo Quyết trình bày và mong HĐXX xem xét tính chất, mức độ để giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo còn lại cũng mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ mà các luật sư đã nêu để cho họ được hưởng mức án khoan hồng.
Những người vợ thay chồng gửi lời xin lỗi
Trong phần tranh luận, HĐXX đã cho phép đại diện gia đình của các bị cáo được nói lên mong muốn của mình. Theo đó, vợ của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, cựu Phó tư lệnh) cho biết trong suốt thời gian công tác, chồng mình có nhiều bằng khen, giấy khen; sai phạm hôm nay là sai lầm phải trả giá quá đắt. Bản thân bị cáo Hưng là người đã nhận ra khuyết điểm nên vợ của bị cáo mong muốn HĐXX giảm án cho chồng để chồng sớm trở về với gia đình.
Là một người vợ có chồng đang phải đối diện với mức án mà VKS đề nghị từ 15 - 15 năm 6 tháng tù, vợ của bị cáo Phạm Kim Hậu cho biết chồng bà là người tốt, có trách nhiệm trong công tác, có thể do bị cám dỗ, thiếu sáng suốt nên đã mắc lỗi, điều này thật sự rất đau xót.
“Chồng tôi đã rất ăn năn, day dứt, bố mẹ cũng đang bị tai biến nặng và mong ngóng con từng ngày; mong HĐXX mở lượng khoan hồng để chồng tôi sớm trở về với gia đình, làm tròn trách nhiệm của người con, người cha. Thay mặt chồng, tôi gửi lời xin lỗi đến thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng cảnh sát biển”, vợ bị cáo Hậu nói.
Tại tòa, vợ của bị cáo Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh) cũng thay mặt chồng gửi lời xin lỗi đến nhân dân, xin lỗi Đảng, quân đội, lực lượng cảnh sát biển và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho chồng…
Trước đó, tự bào chữa, bị cáo Bùi Trung Dũng đề nghị HĐXX nghiên cứu về các cuộc họp Thường vụ Đảng ủy mở rộng để phân bổ ngân sách cho các đơn vị. Theo lời ông Dũng, đây không phải là cuộc họp liên quan đến việc rút 50 tỉ đồng, nếu có thì cũng chỉ manh nha trong đầu ông Sơn.
Bị cáo Dũng nói bản thân ông không nằm trong Thường vụ Đảng ủy mà chỉ được mời tham gia cuộc họp và không có chủ trương rút 50 tỉ đồng khi họp Thường vụ Đảng ủy mở rộng.
Theo ông Dũng, Tư lệnh Sơn có hỏi qua nhưng đây không phải bàn bạc, mà chỉ gật gù nhất trí. Từ đó, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại bởi “bị cáo chỉ là người giúp sức, chỉ cố ý gián tiếp, hoàn toàn không mong muốn chuyện đó xảy ra”.
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả, theo lời tự bào chữa của bị cáo Dũng, trong giai đoạn chưa phát sinh tố tụng, các bị cáo đã đề nghị được tự giác nộp lại tiền và sẵn sàng chịu kỷ luật của Đảng và đơn vị. Việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn rất sớm nên bị cáo mong VKS, HĐXX xem xét đây là tình tiết "đầu thú".