Ông Biden sẽ tranh cử bằng chính sách “Bidenomics”

Quốc tế - Ngày đăng : 12:15, 29/06/2023

Theo hãng tin AFP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt cược vào chính sách kinh tế “Bidenomics” để tái đắc cử năm tới.

Tiếp thu nền kinh tế bị tàn phá bởi COVID-19, sau đó lại đối mặt với lạm phát và khó khăn trong chuỗi cung ứng, Tổng thống Biden rất khó thuyết phục cử tri rằng ông đang làm tốt công việc.

Một cuộc thăm dò tháng 5 do đài ABC News cùng báo The Washington Post thực hiện cho kết quả cựu Tổng thống Donald Trump - người tiền nhiệm đầy tai tiếng và có khả năng lại là đối thủ vào năm 2024 - dẫn trước Tổng thống Biden đến 18% ở câu hỏi ai quản lý nền kinh tế tốt hơn.

onbiden.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: CNA

Tuần qua, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton tuyên bố họ có thể lật ngược thế cờ bằng “Bidenomics”.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Lael Brainard nói rõ Tổng thống Biden từ chối chính sách “Reaganomics” nổi tiếng dưới thời Ronald Reagan những năm 1980 dựa trên học thuyết kinh tế “nhỏ giọt” (cho rằng khi chính phủ giảm thuế và hỗ trợ cho doanh nghiệp lẫn người giàu, tác động tích cực lan xuống các tầng lớp bên dưới). Theo bà Dalton, nhà đương kim lãnh đạo Mỹ tin rằng nền kinh tế sẽ phát triển khi tập trung phát triển ở tầng lớp trung lưu.

Đầu tư để thu hút đầu tư

Tổng thống Biden lập luận các chương trình chi tiêu công lớn mà ông triển khai có thể kích thích nền kinh tế mở rộng trong dài hạn, qua đó giúp xây dựng lại năng lực sản xuất của đất nước cùng nâng đỡ nhóm dân số kém giàu có.

Lập luận trên nếu thành công sẽ là vũ khí chính trị lợi hại cho bầu cử năm tới. Hai năm qua Tổng thống Biden thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua các luật đầu tư số tiền lịch sử vào công nghệ năng lượng xanh, ngành bán dẫn, cùng không dưới 500 tỉ USD dùng cho cải tạo cầu đường và cơ sở hạ tầng khác.

Theo bà Brainard, học thuyết kinh tế “nhỏ giọt” thời Reagan dẫn đến tình trạng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nhiều kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng đầy tham vọng bị hủy bỏ.

Ngược lại “Bidenomics” dùng chi tiêu công như chất xúc tác tạo nên “sự bùng nổ” chi tiêu tư nhân trong ngành sản xuất cùng ngành xây dựng.

Các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống Biden nhận được chút ít tín nhiệm nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp cùng triển vọng kinh tế nhìn chung lạc quan. Nhưng lạm phát vẫn là mối quan tâm chính của cử tri dù đã giảm liên tiếp 11 tháng.

Bà Dalton khẳng định người dân Mỹ sẽ nhìn nhận mọi thứ khác đi khi hàng loạt dự án nhận tài trợ từ chương trình chi tiêu công được triển khai.

“Chúng ta sẽ thấy đầu tư tư nhân quay lại, hàng triệu việc làm được tạo ra. Đây là lúc Tổng thống Biden cho gửi đi thông điệp này và cho người dân thấy “Bidenomics” là như thế nào”, theo bà Dalton.

Cẩm Bình