Quy hoạch treo, dự án treo khiến dân 'khổ sở đời này qua đời khác'

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:51, 29/06/2023

Tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn khiến người dân trong khu vực này bức xúc vì “khổ sở từ đời này qua đời khác”.

Quy hoạch treo kéo dài khiến người dân khổ sở

Tổ đại biểu quốc hội TP.HCM vừa có cuộc tiếp xúc cử tri tại đơn vị 9 ở huyện Nhà Bè, nhiều cử tri đã đề cập đến những vấn đề bức xúc liên quan quy hoạch treo, quy hoạch kéo dài.

“Quy hoạch treo kéo dài khiến người dân chúng tôi bức xúc, đau khổ từ đời này qua đời khác chứ không chỉ ở thời điểm hiện tại”, bà Liễu nói và cho biết thêm người dân sống trong khu vực quy hoạch treo không được định đoạt tài sản của mình, không được sửa chữa nhà cửa ngay trên chính đất của mình, không thể cầm cố vay mượn.

Không chỉ ở Nhà Bè, TP.HCM, người dân tổ dân phố 15, khu Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng cho biết hơn 1.000 hộ dân tại đây sống trong cảnh tạm bợ, không được cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện quyền mua bán, sang nhượng, thừa kế… và hơn 30ha đất ruộng bị bỏ hoang.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hòa giải (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN) cho rằng dự án treo thể hiện việc thẩm định cấp chứng nhận đầu tư của Việt Nam chưa chặt chẽ, pháp luật chưa theo kịp sự phát triển, còn chồng chéo, và vấn đề thực thi pháp luật chưa nghiêm minh.

qht-1.jpg
Ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hòa giải (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN) nói về quy hoạch treo

“Các dự án treo tạo ra môi trường đầu tư không lành mạnh, người cần đất triển khai dự án không có đất trong lúc đất đai thì bỏ hoang bởi gặp phải chủ đầu tư yếu về năng lực. Trong khi đó, người dân thiếu đất để sản xuất hoặc muốn xây dựng lại công trình, nhà ở nhưng lại dính dự án không được phép triển khai, ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình, cơ cấu sử dụng lao động, phát triển kinh tế xã hội địa phương”, ông Lâm nói.

Đại biểu quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được người dân quan tâm, nhưng trên thực tế việc tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch.

“Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn và được người dân gọi là quy hoạch treo. Quy hoạch treo không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai cần có thêm quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này”, ông Tám nói.

Do đó, ông Tám đề nghị bỏ tầm nhìn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại điều 62, bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo, mà dự báo có thể chính xác, có thể không chính xác, có thể là một tác nhân của quy hoạch treo. Người dân chỉ mong muốn nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch. Việc bỏ tầm nhìn quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, cần chỉnh lý, bổ sung thêm tại khoản 3 điều 78 theo hướng: khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và thực hiện các quyền của quyền sử dụng đất quy định tại điều 38 của luật này và pháp luật liên quan.

qht-3.jpg
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại Quốc hội

Đại biểu Tám cho biết “pháp luật liên quan” rất rộng, người dân khó tiếp cận, vì vậy cần quy định vào dự thảo luật một điều về quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, cần bổ sung vào khoản 3 điều 76 nội dung: hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được quyết liệt mà không thực hiện dự án thì hủy bỏ quy hoạch.

Quy hoạch treo do tầm nhìn ngắn hạn

Nói với Một Thế Giới, TSKH-KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng hiện nay dư luận xã hội cũng như một số cơ quan quản lý hay dùng cụm từ “quy hoạch treo”. Tuy nhiên, cách nhận định như vậy là chưa rõ ràng.

“Quy hoạch là ngành khoa học tổng hợp, có tính chất dự báo, định hướng tổ chức về không gian cho các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, tài nguyên - môi trường… Như vậy chúng ta thấy quy hoạch là một dự báo nhưng nó cũng là định hướng và thể hiện ý chí của các cơ quan quản lý từ quốc gia cho đến các địa phương”, ông Nghiêm nói.

Ngoài ra, theo ông Nghiêm, quy trình để ban hành một quy hoạch rất chặt chẽ, có đủ đầy khung pháp lý quy định. Do đó, thực chất trong triển khai hiện nay thì có các “dự án treo” chứ không phải “quy hoạch treo”.

qht-2.jpg
TSKH-KTS Đào Ngọc Nghiêm nói về dự án treo

“Ví dụ, Hà Nội có 7 lần quy hoạch chung. Quy hoạch được duyệt năm 1998 đã qua cả ý kiến của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng đã duyệt, xác định định hướng phát triển cho Hà Nội tính đến năm 2020. Nhưng thực chất đến năm 2008, khi chúng ta mở rộng địa giới thì đã phải lập lại quy hoạch, tức là còn hơn 10 năm nữa mới thực hiện xong quy hoạch thì mới nửa chừng chúng ta đã phải điều chỉnh rồi. Đến năm 2011 chúng ta lại có quy hoạch được Thủ tướng duyệt bởi Quyết định 1259 và định hướng quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Thế nhưng quy hoạch được duyệt năm 2011 thì vừa rồi, đến năm 2022 tức là mới qua 11 năm, chưa đến 2030 chúng ta lại lập quy hoạch mới và hiện nay Hà Nội đang là quy hoạch mới”, ông Nghiêm nêu.

Ông Nghiêm cho rằng dự án không thực hiện được thì cũng không khai thác hiệu quả đất đai, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Việc các dự án treo kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đến cuộc sống của người dân khi họ gặp nhiều khó khăn trong sửa sang nhà cửa, vay vốn… Ngoài ra, các dự án treo cũng gây mất cân đối trong phát triển văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Do đó, theo ông Nghiêm, hiện nay tỉnh thành nào cũng đang rà soát lại dự án và cần có các giải pháp để giải quyết dự án treo. Tuy nhiên, việc thu hồi dự án cũng không đơn giản, cần thực sự kiên quyết xử lý, phân công trách nhiệm rõ ràng, xử lý vi phạm quyết liệt; đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch, phân loại quy hoạch hợp lý; gắn quy hoạch với lập kế hoạch để từ đó đưa ra lộ trình quy hoạch thích hợp.

qht-4.jpg
Tình trạng quy hoạch treo khiến người dân bức xúc

Khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 9.6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu thực tế nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ những “thay đổi bất thình lình trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp”.

“Rủi ro lớn nhất của việc đầu tư vào nông nghiệp chính là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định phải rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp có lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Lam Thanh