Bảo tàng TP.HCM sẽ có 'Hộp kể chuyện'
Văn hóa - Ngày đăng : 14:25, 01/07/2023
Nằm trong khuôn khổ dự án FSPI “Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam”, bộ phận Hợp tác và Hoạt động văn hóa của Đại sứ quán Pháp tiến hành các dự án thí điểm ở các khu vực của 3 miền Việt Nam.
Tại khu vực phía Nam, dự án thí điểm mang tên “Hộp kể chuyện” được thực hiện tại TP.HCM. Đây là hai thiết bị truyền đạt nội dung qua âm thanh được thi công tại Việt Nam dựa trên thiết kế của Bảo tàng Confluences (Lyon, Pháp) nhằm mục đích giới thiệu với công chúng các hiện vật tiêu biểu trong bộ sưu tập của các bảo tàng thành phố.
Ở Lyon, những “chiếc hộp” này được đặt tại các địa điểm công cộng như sân bay, nhà ga hay bệnh viện nhằm đem đến một khoảnh khắc thư giãn, đồng thời tìm hiểu thêm về một hiện vật của bảo tàng trong một không gian tưởng chừng không liên quan. Bên cạnh đó, chiếc hộp cũng là phương tiện để bảo tàng tiếp cận đến những đối tượng công chúng ít quan tâm đến các địa điểm văn hóa, hoặc không có điều kiện đến những nơi này thường xuyên.
Tại TP.HCM, những “chiếc hộp” này sẽ giúp công chúng (tái) khám phá các bộ sưu tập thông qua các podcast được kể với thời lượng ba phút cho mỗi câu chuyện. Ở đây có 4 câu chuyện kể về 4 hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng Mỹ thuật.
Lễ khánh thành "Hộp kể chuyện" vào lúc 16 giờ ngày 5.7 tại Bảo tàng TP.HCM - 65 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM.
Về dự án FSPI
FSPI là viết tắt của “Fonds de Solidarité pour les projets innovants, les sociétés civiles, la francophonie et le développement humain” (Quỹ đoàn kết cho các dự án đổi mới, xã hội, cộng đồng Pháp ngữ và phát triển con người); chương trình này cho phép các Đại sứ quán thực hiện tại nước sở tại các dự án đổi với tác động nhanh chóng, rõ ràng, vì lợi ích của người dân địa phương, với số tiền dao động từ 100.000 đến 1 triệu euro, tùy thuộc vào khu vực địa lý liên quan và loại hình dự án. Thời gian tối đa để thực hiện mỗi dự án là 2 năm.
Khoảng 200 dự án được thực hiện trên khắp thế giới mỗi năm và được tài trợ bởi Chính phủ Pháp. Gần 50% trong số đó thuộc lĩnh vực giáo dục, khoảng 20% thuộc các vấn đề quản trị và 30% còn lại liên quan đến cho y tế, thế hệ trẻ và di sản.
Dự án này sẽ cho phép thực hiện một loạt các hợp phần thuộc các lĩnh vực sau:
1. Phát triển các chương trình đào tạo đại học tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
2. Tập huấn chuyên môn cho đội ngũ công tác trong ngành bảo tàng ở Việt Nam.
3. Hỗ trợ thực hiện các dự án thí điểm, biểu tượng về bảo vệ di sản.
Mục tiêu của dự án là tăng cường và bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hóa.
Do đó, các bảo tàng đối tác đến từ nhiều lĩnh vực hết sức đa dạng: bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng khoa học con người (lịch sử, dân tộc học...), bên cạnh đó cũng có bảo tàng lịch sử tự nhiên và các trung tâm khoa học kỹ thuật.
Nhà nước Pháp sẽ hỗ trợ kinh phí 14 tỉ đồng trong vòng hai năm để thực hiện các hợp phần của dự án này. Số tiền này được bổ sung bằng sự đóng góp tài chính (hoặc chuyên môn) từ nhiều đối tác khác của Pháp như bảo tàng, chính quyền địa phương, trường đại học...