Ông Lê Nguyễn Trường Giang: “Chúng ta tiến đến kỷ nguyên số nhưng vẫn giữ tư duy analog thì không ổn”
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:23, 05/07/2023
Ngày 5.7, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chương trình thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Phải khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở
Chương trình CĐS quốc gia để triển khai cụ thể Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư, trong đó, CĐS là một phương tiện chủ đạo, là một chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng.
Những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung và Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng trong những năm qua trong công tác chuyển đổi số là đáng ghi nhận trong một bối cảnh hiện thực còn nhiều những hạn chế, những rào cản, khó khăn và thách thức.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho rằng CĐS không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào, mà là câu chuyện chung.
“Nhưng nó chỉ trở thành chung khi chúng ta làm cho nó có những động lực để mọi người cùng chung sức, chứ không phải những mệnh lệnh hành chính, những chỉ thị, những tư lợi, những độc đoán từ một vài đơn vị nào đó áp đặt lên tất cả. Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công”, ông Giang nêu.
Ông Giang cho rằng thúc đẩy tiến trình CĐS số là tìm cách sao cho sự hợp lý của mỗi bên liên quan có được những lý do để hợp lý với các bên liên quan còn lại.
“Hợp lý trên cơ sở duy trì “quyền chủ quyền” như một vị thế độc tôn là điều chúng ta sẽ bị nghiền nát trong thế giới số. Chúng ta không thể đảo ngược, thực tiễn sẽ nghiền nát những người cản trở, bởi vì cỗ xe xu thế không ai có thể dừng chúng lại”, ông Giang chia sẻ.
Theo ông Giang, để tiến trình CĐS quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những vấn đề thì cần phải tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành.
“Cùng đồng hành, đồng thuận không có nghĩa là mù quáng, không có nghĩa là không có phản biện, không có tranh đấu, là độc quyền, độc đoán, duy ý chí, mà cần có một cơ chế, một cơ sở để các bên đều có thể góp nên tiếng nói, góp công sức vào công cuộc chung của cả dân tộc”, ông Giang nói.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang cũng cho hay hiện nay đang khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích nền tảng chia sẻ trong kinh tế, dữ liệu và những cơ hội – thúc đẩy tiến trình CĐS. Trong khi hiện nay ở Việt Nam, dữ liệu còn khá cục bộ. Do vậy không phải là kiến tạo nên những cơ chế đóng, định khuôn và những thước đo phụ thuộc bởi một hay một số tổ chức nhất định mà phải tạo ra nhưng cơ chế mở, cách thức mở.
Ngoài ra, việc đào tạo về CĐS cũng cần hướng tới việc định hình ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và những chuẩn mực về chất lượng. Điều này tạo điều kiện cho tất cả các bên có năng lực đều có thể tham gia vào tiến trình này, thay vì khuôn định nó trong những môi trường đóng, tạo nên những vùng hạn chế, không huy động được trí tuệ và sức mạnh của tập thể. Tuy nhiên, hiện nay chuyên gia về đào tạo, chuyên trách về CĐS đang là “khoảng trống”.
Chuyển đổi số để thay đổi mô hình tăng trưởng
Để thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh một số yếu tố “biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu” và phải biết “muốn gì, làm gì, làm như thế nào”.
Ông Giang cho rằng biết rõ để thấy được rõ lợi ích để làm, để không đối phó, để không phong trào.
“CĐS là một cuộc cách mạng tư duy thay đổi hình thái tổ chức, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các tiến trình hoạt động tạo ra sự đột phá giá trị đưa đến đột phá năng suất. Dữ liệu là nền tảng, là cơ sở, và là nguồn lực quyết định”, ông Giang nói.
Ngoài ra, theo ông Giang, cần “nắm chắc” để nắm được bản chất tránh đụng đâu làm đó. Theo đó, phải học cách để có thể tư duy số và lấy kiến tạo thể chế, cải cách bộ máy, thiết kế quy trình làm việc đầu tiên. “Chúng ta tiến đến kỷ nguyên số nhưng vẫn giữ tư duy analog thì không ổn”.
“Công nghệ là phương tiện, con người là trung tâm, là chủ thể đóng vai trò quyết định. Phải nắm rõ mình chuyển đổi đến đâu và để làm gì? Theo đó, phải nắm rõ mình dựa trên cái gì mình có mà để chuyển đổi và phải nắm rõ mình sẽ bắt đầu từ đâu và theo lộ trình chiến lược nào để mà chuyển đổi”, ông Giang chia sẻ và cho rằng cần “hiểu sâu” để hành động cho đúng tránh kiểu nghĩ gì làm nấy.
Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS cũng cho rằng chuyển đổi số là phương tiện để giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu. Do vậy, phải lồng ghép chuyển đổi số vào trong các mục tiêu kinh tế-chính trị-xã hội, lấy CĐS làm phương tiện để đạt được các mục tiêu đề ra.
“Mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sự chuyển đổi tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả, hiệu suất, năng suất thông qua đột phá giá trị là trung tâm. Theo đó, cần lấy con người làm trung tâm, người dân làm mục đích, cán bộ làm chủ thể”, ông Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Giang, để biết rõ phải dựa vào đâu, tránh việc làm đại thì phải đi trên đôi chân của mình, dựa trên những gì mình có.
“Tiến trình CĐS là một dự án đầu tư. Hành động phải đem lại hiệu quả, nhưng là hiệu quả tổng thể, không phải hiệu quả thành phần. Do vậy, việc đo lường phải dựa vào giá trị cộng hưởng của toàn thể và phải có phương cách ngay từ đầu tránh tình trạng vừa làm vừa tính, vừa mò”, ông Giang nói.
Ông Giang cũng chia sẻ: “Chuyển đổi số thực sự là phương tiện để đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng nhiều người chưa nhìn ra điều này, họ chỉ nghĩ việc CĐS chỉ là công việc phát sinh ngoài chuyên môn. Cách tư duy như vậy đang là rào cản vô cùng lớn của CĐS”.