Giám đốc HCDC: Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng liên tục
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:45, 06/07/2023
Thông tin tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, vào chiều 6.7, ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong tháng 6.2023 vừa qua, toàn TP ghi nhận 758 ca sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc 6 tháng đầu năm 2023 là 8.519 ca.
Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, mỗi tuần số ca mắc sốt xuất huyết tăng lên khoảng 10% so với tuần trước. “Mùa sốt xuất huyết ở TP (từ tháng 7 đến tháng 10 - PV) mới bắt đầu, nên người dân cần phải rất thận trọng”, ông Tâm nói.
Theo HCDC, qua giám sát 103 điểm cho thấy các điểm có lăng quăng khá nhiều, có đến 49 điểm, chiếm gần 50%. “Đây là con số đáng báo động, tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa khi TP mưa nhiều hơn, nếu không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ”, ông Tâm cảnh báo và cho biết: “Hiện các điểm có nguy cơ trên đã được Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với địa phương xử lý ngay và tái kiểm tra ngay sau đó. Những trường hợp nào cần xử phạt theo Nghị định 117 cũng đề xuất xử phạt. Chúng tôi rất quyết liệt trong vấn đề này”.
Đối với bệnh tay chân miệng, ông Tâm cho biết, tổng số ca mắc trong 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua là 4.500 ca. Điều đáng lo ngại là có sự xuất hiện của chủng EV71. Đây là chủng đã từng gây dịch tay chân miệng và tử vong cao ở TP vào năm 2011.
Cũng theo ông Tâm, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng liên tục từ tuần 19 đến nay, số ca bệnh nặng cũng gia tăng theo; số ca mắc trong tháng 6 cao hơn rất nhiều so với số ca mắc hàng tháng từ tháng 1 đến tháng 5.
Cụ thể, trong tháng 6, TP ghi nhận 2.690 ca mắc, gồm 569 ca nội trú và 2.121 ca ngoại trú. Trong số 569 ca nhập viện điều trị có 118 ca nặng (tỷ lệ bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến chiếm gần 76%) và tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi.
Bên cạnh đó, tổng số ổ dịch tay chân miệng trong 6 tháng là 125 (70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (64 ổ dịch).
Trước tình hình trên, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện phải xây dựng các kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị. Trong đó, 3 bệnh viện nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP) là bệnh viện tuyến cuối thu dung điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng; đồng thời thành lập các tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Ngành y tế TP không chỉ trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện ở TP mà còn cho các tỉnh, thành phía nam. “Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng là không có biên giới. Khi các bệnh viện ở những tỉnh, thành lân cận quá tải và có dịch sẽ đổ dồn về TP. Do đó, việc hỗ trợ cho các tỉnh, thành lân cận cũng rất quan trọng”, ông Tâm nói.
Để phòng chống hiệu quả bệnh sốt xuất huyết, ông Tâm kêu gọi toàn thể cộng đồng cùng chung tay phòng chống dịch bệnh này. Trách nhiệm phòng chống dịch bệnh là của cộng đồng, chứ không riêng ngành y tế. Khi người dân chỉ cần để một ít nước đọng trong nhà cũng có thể gây ra ổ dịch sốt xuất huyết.
Ngoài việc không để nước đọng trong nhà, người dân có thể thông tin cho ngành y tế biết những điểm có nước đọng, những điểm có nguy cơ gây sốt xuất huyết ngoài cộng đồng qua app trực tuyến.
Trong khi đó, để phòng chống bệnh tay chân miệng, ông Tâm khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày; khi trẻ mắc bệnh hãy để trẻ ở nhà ít nhất 10 ngày để theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ.