Chính phủ gỡ khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:27, 07/07/2023

Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí...

Tối 6.7, tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam về tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiệp hội SME là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, với trên 65.000 hội viên. Hiện nay, Hiệp hội SME có hệ thống tổ chức với 28 đơn vị trực thuộc. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp SME đóng góp quan trọng vào phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội…

Tại buổi làm việc, Hiệp hội SME cho biết thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp SME. Việc các doanh nghiệp SME khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

Do đó, Hiệp hội SME đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp; có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn… qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp SME phát triển.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97% số doanh nghiệp cả nước, đã tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19, cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh; mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng.

Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (với tổng quy mô khoảng 200.000 tỉ đồng theo các Nghị định số 12, 36, 41 của Chính phủ, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội…); tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (theo các Nghị định số 08, số 10 và Nghị quyết 33 của Chính phủ); đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững (Nghị quyết 58 của Chính phủ); đã thành lập 26 tổ công tác do các thành viên chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả các địa phương, đã xử lý 300/1.000 nghìn kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.

Thủ tướng nêu rõ những giải pháp trên có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của sự phát triển và thời gian tới, cần phải cần cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa. Thủ tướng cho biết một kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy 59,2% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất là về đơn hàng, 51,1% cho rằng khó khăn lớn nhất là về tiếp cận vốn; còn lại là những khó khăn trong đáp ứng thủ tục hành chính và quy định của pháp luật.

Về những khó khăn liên quan tới đơn hàng, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả các FTA và đàm phán các FTA mới, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng (miễn giảm thuế, phí, lệ phí…), kêu gọi đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Về những khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất còn cao, Thủ tướng nêu rõ ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nhưng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, kịp thời hơn nữa.

Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đồng thời, theo dõi việc triển khai Thông tư 02  về cơ cấu lại nợ và Thông tư 03 về mua lại trái phiếu doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.

Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.

Hồ Đông