Nga ngụy trang tàu chiến để đánh lừa UAV Ukraine
Chuyển động - Ngày đăng : 09:35, 07/07/2023
Chuyên gia hải quân người Mỹ H.I.Sutton phát hiện lớp sơn sọc đen trên khu trục hạm Đô đốc Essen của Nga thông qua ảnh chụp cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea từ vệ tinh ngày 22.6. Ảnh chụp những ngày tiếp theo ghi nhận 3 tàu chiến khác cũng có lớp sơn tương tự.
Theo chuyên gia Sutton, 4 tàu nói trên đều mang theo tên lửa hành trình Kalibr được sử dụng tấn công Ukraine.
Ngày 29.6, trang KCHF.ru chuyên đăng tải tin tức về Hạm đội Biển Đen (Nga) cũng chia sẻ hình ảnh hai đầu tàu rà mìn Ivan Golubets sơn sọc đen.
Tiến sĩ Sidharth Kaushal (Viện Nghiên cứu Royal United Service) nhận định cách ngụy trang như vậy hoàn toàn có thể đánh lừa UAV hàng hải mà Ukraine sử dụng.
UAV hàng hải được dẫn đường bằng nguồn cấp video từ người điều khiển. Chúng bay rất nhanh nên người điều khiển có rất ít thời gian nhắm mục tiêu.
“Ở khoảng cách xa, cảm biến quang điện chất lượng thấp trên UAV có thể không phân biệt được tàu chiến với hậu cảnh lộn xộn. Tàu cũng trông nhỏ hơn nhờ lớp sơn tối màu. Lớp sơn là biện pháp đánh lừa UAV chi phí thấp”, theo tiến sĩ Kaushal.
Chuyên gia Sutton cũng chỉ ra nước trong hình ảnh chụp bởi UAV hoặc vệ tinh thương mại thường có màu tối, vì vậy lớp sơn đen là cách ngụy trang hiệu quả.
Tiến sĩ Kaushal cho biết Ukraine từ lâu đã sử dụng UAV quấy rối đội tàu Nga. Phía Nga chịu thiệt hại nên phải thiết lập rào cản xung quanh cảng đồng thời chỉ dám cho hạm đội hoạt động gần bờ.
Đầu tháng 6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tàu chiến Priazovye tránh được 6 UAV.
Chiến thuật ngụy trang của Nga từng xuất hiện trong 2 thế chiến. Ở Thế chiến thứ nhất, hải quân Anh tiên phong sử dụng sọc cùng hoa văn “lóa mắt” nhằm mục đích gây nhầm lẫn về tốc độ và hướng di chuyển của tàu.
Sọc cùng hoa văn “lóa mắt” sau đó bị thay thế bởi cách ngụy trang đánh lừa, nổi tiếng nhất là thiết giáp hạm Bismarck của Đức có phần đuôi và mũi tàu sơn màu tối hơn để đánh lừa mắt thường.
Không rõ chiến thuật này hiệu quả hay không, chứ đa số đều bị vô hiệu hóa với sự ra đời của radar, hệ thống nhận diện bằng sóng âm hoặc bằng hồng ngoại.