Singapore - Việt Nam ký 12 biên bản ghi nhớ hợp tác
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:35, 07/07/2023
Tại Diễn đàn khu vực Singapore lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam hôm nay (7.7), 12 MOU được ký kết giữa các tổ chức công và tư từ Singapore và Việt Nam, bao gồm các hiệp hội thương mại và phòng thương mại, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở tài chính, cũng như các cơ quan quản lý của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, logistics, giáo dục và đổi mới sáng tạo...
Đáng chú ý, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) đã ký kết hợp tác với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng UOB ký kết với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đẩy mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi thông tin về chính sách đầu tư, chia sẻ dự án tiềm năng và hỗ trợ giao lưu kết nối kinh doanh...
Ngoài ra là sự hợp tác giữa PSA Vietnam với Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), Keppel Corporation, Trường cao đẳng Bách khoa Ngee Ann và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), Đại học quốc gia Singapore và NIC, Liên đoàn chế tạo Singapore (SMF) và Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Forte Biotech Việt Nam và Khoa Thủy sản - Nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ...
Về đầu tư, Singapore đứng thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore gần 150 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ.
Về thương mại, Singapore là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,2 tỉ USD theo hướng cân bằng, tăng 11,6% so với năm 2021. Singapore cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Trong chủ trương thu hút đầu tư, Việt Nam ưu tiên thu hút dự án FDI thuộc các ngành, lĩnh vực như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị... Đây cũng là những ngành, lĩnh vực doanh nghiệp Singapore có thế mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của mình, Việt Nam luôn có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Singapore. Trong số 15 FTA đã có hiệu lực, có 9 FTA trong đó Việt Nam và Singapore đều là thành viên. Điều đó cho thấy sự gần gũi, tương đồng về quan điểm, lợi ích và định hướng phát triển giữa hai nước.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Singapore trong 3 năm gần đây, bất chấp đại dịch COVID-19 diễn ra, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương vẫn ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực. Cụ thể, năm 2021 tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỉ USD, tăng 23,3% so với năm 2020. Đến năm 2022, trao đổi thương mại song phương là 9,1 tỉ USD, tăng 11,6% so với năm 2021.
"Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế diễn ra nhiều quốc gia, các kết quả thương mại và đầu tư nêu trên đã chứng minh sự hợp tác ổn định và hiệu quả giữa Việt Nam và Singapore trong thời gian qua", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.