Đồng Tháp và Hậu Giang dẫn đầu chương trình khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo ở ĐBSCL
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 20:10, 09/07/2023
Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức nhiều tọa đàm về “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SDMD): Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL”. Những buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn SDMD 2045”.
GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT cho rằng: “Khoa học là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu thịnh vượng. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp và cộng đồng phát triển”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự đã nêu ra những thuận lợi và các trở ngại về chủ đề này.
ThS Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo (Đại học quốc gia TP.HCM) cho rằng đối với sinh viên, với những người mới tốt nghiệp đại học, việc tiếp cận khoa học công nghệ, nghiên cứu, sáng tạo là điều khó khăn. Họ cần có tinh thần học hỏi, thời gian, sự đầu tư, nhưng cũng cần có những vườn ươm công nghệ, những trại thực nghiệm, những doanh nghiệp, những mô hình kinh tế để cho sinh viên và những người nghiên cứu tiếp cận. Tuy nhiên chúng ta hiện nay thiếu những điều kiện như vậy để hỗ trợ sinh viên, những nhà nghiên cứu để tìm tòi, sáng tạo.
Ông Lê Nguyên Đoan Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học ĐHCT cho rằng: "Về chính sách để hỗ trợ những người khởi nghiệp sáng tạo thì có nhiều. Tuy nhiên, để chúng đi vào thực tế lại gặp nhiều khó khăn. Người muốn tham gia khởi nghiệp sáng tạo trước tiên phải có thời gian, có sự đầu tư, nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo tiếp cận với khoa học, công nghệ mới. Để có cơ sở khoa học tiếp cận với thực tiễn, người nghiên cứu phải tiếp cận với trại thực nghiệm, trại tập huấn, cơ sở doanh nghiệp. Xa hơn nữa, người muốn tham gia khởi nghiệp sáng tạo phải có vốn liếng để thực hành, khởi nghiệp hoặc phải có nhà đầu tư tài trợ. Đây là điều cực khó, gây cản trở với những người có tri thức về công nghệ và tâm quyết khởi nghiệp. Quan trọng nhất là vấn đề tài chính. Tiền đâu mà làm?".
Vấn đề khó khăn mà ông Khôi nêu cũng là vấn đề của nhiều tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Mai Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp: “Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 30.9.2021 về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27.1.2022 của UBND tỉnh về việc phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 20.11.2020 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025...
Hiện Đồng Tháp có các chính sách hỗ trợ khác như: Xúc tiến thương mại; khuyến công; tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình OCOP; hỗ trợ về du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và hoạt động khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp; phát triển kinh tế số, xã hội số... Công tác truyền thông, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cũng được đẩy mạnh thiết thực.
Do vậy, trong 3 năm qua Đồng Tháp đã có nhiều cơ sở sản xuất OCOP ra đời, những HTX, những hội quán thu hút tuổi trẻ vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo.
Nhiều tỉnh ở ĐBSCL hứa hẹn sẽ đạt kết quả tốt trong chương trình khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, nổi bật là Đồng Tháp và Hậu Giang. Tuy vậy, vẫn còn một số tỉnh chưa khuyến khích tuổi trẻ khởi nghiệp, sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chương trình quốc gia. Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia va Bộ KH-ĐT ghi nhận những tiến bộ, những khó khăn từ ĐHCT và Chương trình SDMD, từ đó đề xuất hướng giải quyết vấn với các bộ ngành, trong đó có việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.