Trượt lớp 10 trường công không phải là thất bại học đường
Giáo dục - Ngày đăng : 07:40, 10/07/2023
Thiếu trường công lập cho hơn 16.600 học sinh
Năm học 2023, Hà Nội có hơn 30.000 học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập, đây là một con số đáng báo động. Việc này lại càng trở nên áp lực hơn khi bố mẹ các em phải vất vả, đôn đáo đi xếp hàng ở các trường THPT dân lập để xin cho các em vào học. Trên các trang mạng xã hội, câu chuyện đỗ hay trượt vào lớp 10 trường công trở thành chủ đề nóng.
Trước đó, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết: "Hà Nội không thiếu các trường cho học sinh THPT theo học".
Tuy nhiên, thực tế thì hiện đang thiếu trường công. Năm 2023, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, toàn thành phố có 129.210 học sinh lớp 9. Có 128 trường THPT công lập và công lập tự chủ trên địa bàn thành phố được giao 75.430 chỉ tiêu. 29 trường giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Hà Nội được giao 10.305 chỉ tiêu. 95 trường THPT tư thục được giao 26.829 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu cho lớp 10 là 112.564/129.210 học sinh lớp 9… Điều này có nghĩa là có hơn 16.600 học sinh vẫn sẽ không chỗ học hệ công lập nên phải học ở các trường THPT dân lập, các trường nghề hay giáo dục thường xuyên.
Chưa hết, việc phân bố dân cư không đều ở các quận như quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... với mật độ dân số quá đông trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế đã dẫn tới tỉ lệ chọi ở những khu vực nội thành rất khắc nghiệt.
Qua kỳ thi vừa rồi cho thấy, học sinh phải đạt học lực giỏi mới có cơ hội trúng tuyển. Những học sinh khá, trung bình khó có thể thi đỗ vào trường công; khó đỗ vào các trường tư thục có chất lượng tốt trong khu vực nội đô. Thậm chí có những học sinh đạt 40 điểm cũng chưa chắc đỗ vào lớp 10 của một trường tư thục "hot" ở các quận trọng điểm. Đây là một trong những thiệt thòi lớn đối với các học sinh có học lực trung bình khá hoặc khá. Nếu lựa chọn sai cả 3 nguyện vọng thì dù các em có đạt điểm cao vẫn khó có thể được vào các trường công lập theo ý muốn hoặc các trường dân lập top đầu.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhung - Trường THCS Mai Dịch, quận Nam Từ Liêm cho biết để có thể đạt được 8-9 điểm/1 môn học thì phải là những học sinh khá, giỏi, thậm chí nắm rất chắc các kiến thức. Còn những học sinh trung bình hoặc trung bình khá thì lại mất cơ hội học vào lớp 10 tại các trường công lập.
"Người ta luôn cho rằng các trường dân lập có môi trường chưa tốt, cộng với việc các học sinh yếu kém nên nhiều phụ huynh không muốn con em mình học các trường dân lập, nhưng quan trọng nhất vẫn là học phí các trường dân lập cao hơn nhiều so với thu nhập của một gia đình nuôi 2 con ăn học tại Hà Nội. Tôi cũng không đồng ý với các ý kiến cho rằng học sinh thi không đỗ vào lớp 10 công lập thì đồng nghĩa các học sinh ấy nên đi học nghề hoặc học các trường giáo dục thường xuyên, dân lập...
Việc học nghề hay không mang tính cá nhân và hoàn cảnh của từng gia đình đó. Chúng ta là người lớn phải định hướng cho con em. Các em mới học hết lớp 9, tuổi còn khá nhỏ, nếu học nghề luôn sẽ có nhiều em không đáp ứng được, đâm ra chán nản và bỏ học, dẫn theo nhiều hệ lụy".
THPT công lập không phải con đường duy nhất
Việc các phụ huynh "khát" trường công cũng do hệ thống xây dựng các trường công lập không theo kịp tốc độ của việc tăng dân số ở các khu vực trọng điểm. Điều này khiến học sinh trong khu vực nội đô này luôn đông hơn các khu vực khác, gây ra tình trạng thiếu phòng học, thiếu lớp và thiếu cả trường.
Thi trượt vào trường công lập, với không ít học sinh vẫn bị coi là một thất bại nặng nề. Nhiều em rơi vào trạng thái lo lắng, xấu hổ, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực. Có thể thấy, những năm qua hệ thống trường công ở Hà Nội không "tải" được số học sinh thi vào lớp 10. Năm nay, toàn thành phố có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Trong đó, khoảng 102.000 em sẽ vào lớp 10, nhưng chỉ 72.000 chỉ tiêu trúng vào các trường THPT công lập. So với năm học trước, số học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập tăng 1.000 học sinh. Bởi thế, cuộc đua này càng trở nên căng thẳng và áp lực hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc không đỗ vào các trường THPT công lập không phải là một "thất bại học đường" và cha mẹ nên cân nhắc hỗ trợ con cái hết sức trong việc lựa chọn một hướng đi phù hợp.
Theo ông Phan Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết hiện nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển rất đa dạng. Ngoài khối trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, có một thực tế nhiều gia đình vẫn mang tâm lý băn khoăn, e ngại và cho rằng, chỉ những học sinh yếu kém mới lựa chọn hướng đi này. Mặc dù điểm đầu vào của học sinh theo học ở các trung tâm này thấp hơn so với các trường công lập, nhưng số học sinh đậu tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn chiếm tỉ lệ cao. Con số này khoảng 96-97 %. Trong đó, có khoảng 20% học sinh có đủ điều kiện học lên đại học. “Nếu cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Phụ huynh nên cân nhắc để lựa chọn con đường phù hợp nhất với con em mình", ông Tuấn Anh nói.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết việc lựa chọn một ngôi trường phù hợp cho con chính là cha mẹ đang truyền cảm hứng học tập cho con em mình. Không nhất thiết phải vào trường công lập thì con em mình mới phát triển được mà lựa chọn môi trường học phù hợp với năng lực, kinh tế gia đình chính là giúp chính các em học sinh cân bằng cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Điều quan trọng nhất chính là giúp các em ổn định về mặt tâm lý, được hướng nghiệp một cách rõ ràng và chấp nhận những thất bại để đưa ra các quyết định khác thành công hơn. Thay vì chọn trường công lập theo tư duy lối mòn thì phụ huynh nên xem ngôi trường nào đó phù hợp để đáp ứng được mục tiêu mà con em mình theo đuổi, mong muốn trong tương lai.