Hơn 30 người làm chứng được triệu tập đến phiên tòa xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’

Sự kiện - Ngày đăng : 14:45, 10/07/2023

TAND TP.Hà Nội triệu tập hơn 30 người làm chứng tới phiên tòa xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.Hà Nội triệu tập hơn 30 người làm chứng, 16 công ty và hơn 40 cá nhân có liên quan tới phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ ‘chuyến bay giải cứu’ vào ngày mai (11.7).

Hiện có hơn 100 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án, trong số đó có một số luật sư cùng lúc bào chữa cho 2 bị cáo. Cụ thể, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) có 3 luật sư bào chữa; Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của nguyên Phó thủ tướng Chính phủ) có 2 luật sư bào chữa; Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) có 3 luật sư bào chữa…

chuyen-bay-giai-cuu(1).png
Vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 11.7, dự kiến kéo dài 1 tháng - Ảnh: Internet

1 bị cáo được tòa án chỉ định luật sư bào chữa

Trong số các bị cáo trong vụ án, bị cáo Phạm Bích Hằng (Phó giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quốc tế) được tòa án chỉ định luật sư bào chữa. Bà Hằng bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt chủ trương cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9.2020 - 12.2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ hơn 164 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 24 tỉ đồng.

Trong đó, vào tháng 6.2021, Phạm Bích Hằng - Giám đốc Công ty Vinamichi đã đưa 1 tỉ đồng để nhờ Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Thái Hòa xin cấp phép chuyến bay, cách ly y tế cho Công ty Sự kiện và Bầu trời Hà Nội nhưng Tuấn không đưa cho cá nhân nào, nên Công ty Sự kiện và Bầu trời Hà Nội không được cấp phép chuyến bay.

Khi đó, Hằng yêu cầu Tuấn trả lại tiền, nhưng Tuấn chỉ trả lại Hằng 400 triệu đồng. Số tiền còn lại Tuấn nói đã chi cho Tổ 5 bộ để chiếm đoạt.

chuyen-bay-giai-cuu.jpg
Bị cáo Tô Anh Dũng (ngoài cùng bên trái) bị VKS truy tố tội "Nhận hối lộ" - Ảnh: Internet

Tháng 8.2021, Phạm Bích Hằng thỏa thuận với Trần Minh Tuấn để xin cấp phép các chuyến bay thông qua pháp nhân Công ty Du lịch Quốc tế (do Hằng mượn pháp nhân). Tuấn đã thỏa thuận với Hằng chi 3,5 triệu đồng/khách cấp phép chuyến bay, 1,5 triệu đồng/khách cách ly. Từ cuối tháng 10.2021, Tuấn nâng giá xin cách ly lên 2,5 triệu đồng/khách.

Hằng có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép chuyến bay, cách ly và chuẩn bị tiền; Tuấn là người đi nộp hồ sơ và đưa tiền cho thành viên Tổ 5 bộ, địa phương. Mỗi chuyến thành công, Tuấn được hưởng 300 triệu đồng.

Thực hiện thỏa thuận trên, Phạm Bích Hằng đã chuyển hơn 12,8 tỉ đồng cho Trần Minh Tuấn; Tuấn đã thanh toán tiền thuê máy bay là hơn 4,3 tỉ đồng.

Số tiền còn lại, cáo trạng xác định Trần Minh Tuấn đã đưa hối lộ gần 800 triệu đồng cho các cá nhân, gồm: Tô Anh Dũng 200 triệu đồng, Đỗ Hoàng Tùng 2.000 USD, Lê Tuấn Anh 1.000 USD, Lưu Tuấn Dũng 10 triệu đồng và chỉ đạo Phạm Bá Sơn, nhân viên đưa tiền cho Chử Xuân Dũng 500 triệu đồng và 20 triệu đồng cho một cá nhân khác để xin cách ly tại Hà Nội.

Tuấn trả lại 1,3 tỉ đồng cho Phạm Bích Hằng và được Hằng trả công theo thỏa thuận. Ngoài ra, Trần Minh Tuấn còn chi 100 triệu đồng khi xin cấp phép cách ly; số tiền còn lại là hơn 5 tỉ đồng, Tuấn chiếm đoạt của Phạm Bích Hằng.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Vũ Anh Tuấn và Phạm Trung Kiên, Hằng đã đưa hối lộ 200 triệu đồng cho Vũ Anh Tuấn và chuyển khoản 200 triệu đồng cho Phạm Trung Kiên để duyệt cấp phép chuyến bay.

Nhã Thanh