Thẻ vé metro số 1 có thể tích hợp với các tuyến buýt, taxi, phương tiện đường thủy

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:21, 11/07/2023

TP.HCM hướng tới việc nghiên cứu giải pháp công nghệ, kỹ thuật quản lý để thẻ vé metro số 1 có thể tích hợp với các tuyến buýt, taxi, phương tiện đường thủy.

Ngày 11.7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa 10, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP.

Ông Trần Quang Lâm cho biết TP đã đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ và nhận định, nguồn lực dành cho giao thông để thực hiện các dự án chỉ đạt 30%. Ngoài ra, quan điểm kinh tế hạ tầng khá mới mẻ nên việc triển khai quy hoạch bị chậm.

Trong khi đó, một số dự án có nguồn lực, đã bố trí vốn nhưng nhiều dự án không đạt tiến độ. HĐND TP đã có nhiều cuộc giám sát và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất vẫn là do việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm. TP cũng nhận định phải có giải pháp về thể chế và tại Nghị quyết 98/2023/QH15 đã có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Khi có nguồn lực, có dự án thì phải triển khai nhanh.

lamm.jpeg
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm trả lời chất vấn tại kỳ họp - Ảnh: T.U

Vừa qua, TP.HCM có dự án điển hình trong triển khai là dự án đường vành đai 3. TP cũng đã chỉ đạo phải nghiên cứu cách làm từ dự án này để đẩy mạnh, triển khai nhanh các dự án khác.

Hiện nay, dự án metro số 1 đã được tháo gỡ xong các vướng mắc về pháp lý và đang hoàn thiện các phần việc còn lại. “Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đã báo cáo và cam kết thực hiện các giải pháp để đảm bảo tiến độ hoàn thành năm 2023. TP cũng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đưa vào khai thác năm 2024" - ông Lâm thông tin.

Về vé đi metro, TP.HCM đang xem xét và thống nhất sử dụng ứng dụng công nghệ thẻ xe mở, như xu thế các nước trên thế giới đang áp dụng. Với hình thức mở, hành khách có thể thanh toán qua điện thoại, thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, TP cũng hướng tới việc nghiên cứu giải pháp công nghệ, kỹ thuật quản lý để thẻ vé metro số 1 có thể tích hợp với các tuyến buýt, taxi, phương tiện đường thủy.

Đối với tiến độ cầu Cần Giờ, các cơ quan chuyên môn đã cơ bản hoàn thành việc lập báo cáo tiền khả thi với dự án và đang cùng với huyện Cần Giờ rà soát chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến có quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, phấn đấu trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30.4.2025. TP cũng sẽ nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của huyện Cần Giờ.

Đối với phát triển kinh tế giao thông, ông Trần Quang Lâm cho biết hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng lĩnh vực giao thông rất lớn nhưng nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng 30% quy hoạch. TP kiến nghị đưa nhiều giải pháp khác để phát triển hạ tầng giao thông như hình thức đầu tư PPP; thúc đẩy phát triển giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư phát triển như tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tuyến metro, đường vành đai 3…

Liên quan đến giao thông đường thủy gắn với trên bến dưới thuyền, ông Trần Quang Lâm cho rằng tiềm năng phát triển đường thủy trong vận tải hàng hóa, hành khách là rất lớn. Ông nói TP phải phấn đấu rất nhiều mới phát huy được hết tiềm năng trên bến dưới thuyền. Sở đã phối hợp Sở Du lịch bàn giải pháp phát triển giao thông đường thủy, đến năm 2025 có ít nhất có 5 tuyến giao thông thủy.

Tú Viên