Chủ tịch Quốc hội: Chậm hoàn thuế, nếu đặt mình vào vị trí DN thì có thể sống được không?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:08, 12/07/2023
Cử tri lo lắng vì thiếu điện, khó tiếp cận nhà ở xã hội…
Theo Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội, tháng 5 và 6.2023 tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy… Tuy nhiên, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động.
Ngoài ra, nhiều DN gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra ở nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn…
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và công tác quản lý, vận hành tòa nhà, cũng như chất lượng chung cư không đảm bảo… vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, làm phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp…
Trong thời gian tới, Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng.
Ông Dương Thanh Bình cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay.
Cụ thể, Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện các quy định, đặc biệt là việc “làm sạch” dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Xây dựng có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ để khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống; nghiên cứu, xem xét và ban hành quy định cấm hoặc hạn chế buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam…
Thi vào lớp 10 khó hơn đại học
Việc phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào THPT cũng là vấn đề được bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề cập tại kỳ họp.
“Thực trạng áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 ở TP.Hà Nội và TP.HCM là thực trạng trong nhiều năm, thi vào lớp trung học phổ thông hiện nay khó hơn thi vào đại học”, bà Nga nói và đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vào cuộc vấn đề này để làm rõ xem có tình trạng thiếu trầm trọng trường THPT công lập hay không? Giải pháp để giải quyết vấn đề này trên thực tế như nào?
Và bà Nga đề nghị đưa thêm vấn đề này vào báo cáo công tác dân nguyện.
Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của bà Lê Thị Nga về nội dung này, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng đây là bài toán không dễ, cần phải tính toán cẩn thận. Theo ông Vinh, nội dung này cần được ghi nhận và đưa vào báo cáo của Ban Dân nguyện; đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ GD - ĐT để có những nghiên cứu sâu hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.
Hoàn thuế là nghĩa vụ của Nhà nước
Tại phiên họp, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính Vũ Chí Hùng cũng giải trình làm rõ vấn đề về hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN.
Ông Hùng cho biết công tác hoàn thuế giá trị gia tăng theo Luật Thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì hồ sơ hoàn thuế được phân làm hai trường hợp: Hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ quan thuế hoàn kịp thời, đúng quy định. Các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau thì cần phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý hoàn thuế theo quy định.
Qua rà soát các thông tin trong những năm gần đây, ông Hùng cho biết cơ quan thuế nhận thấy một số DN hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng gỗ, lâm sản có rủi ro cao. Do đó, cơ quan thuế phải thực hiện công tác kiểm tra và xác minh. Có một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế chính sách của nhà nước để gian lận và chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
“Trên tinh thần chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục thuế đã báo cáo Bộ Tài chính có những giải pháp liên quan đến việc xác minh. Bộ Tài chính đã rà soát các quy định tại Luật Thuế, quản lý giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát các quy định về thủ tục hoàn thuế”, ông Hùng nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hiện nay Quốc hội có nghị quyết chung, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, đây là trách nhiệm của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Quốc hội, Chính phủ không làm thay.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chống gian lận, chống sai sót là cần thiết nhưng không vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của DN. Nhất là trong bối cảnh DN tiếp cận vốn rất khó khăn mà tiền của DN lại không hoàn, kéo dài đến mấy năm.
“Nếu đặt mình vào vị trí của DN thì có thể sống được không? Đây là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều. Quốc hội cũng đã có nghị quyết”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cần phải có giám sát, tổ chức phiên giải trình về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, không thể để mãi tình trạng này.
“Hoàn thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, DN không xin. Do đó, cơ quan nhà nước phải hướng dẫn thủ tục. Ai sai, ai vi phạm pháp luật thì xử lý; cán bộ thuế sai thì phải xử lý cán bộ thuế. Không thể trì trệ, loay hoay mãi”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.