Tại sao NATO mở rộng phạm vi hoạt động sang châu Á - Thái Bình Dương?
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:00, 13/07/2023
Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Lithuania vừa qua, vấn đề quan trọng nhất là viện trợ quân sự cho Ukraine – đặc biệt trong bối cảnh liên minh bị cho là chậm cung cấp vũ khí còn Mỹ vừa quyết định viện trợ bom chùm.
NATO còn thảo luận khả năng kết nạp Ukraine. Kyiv mong muốn nhận được lời mời cùng lộ trình cụ thể, nhưng cuối cùng Liên minh chỉ tuyên bố sẽ mời khi các điều kiện được đáp ứng.
Các thành viên cũng sẽ nhất trí về cuộc cải tổ lớn đầu tiên đối với các kế hoạch quân sự của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh và tăng chi tiêu quốc phòng cá nhân của họ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang tìm kiếm cam kết từ 31 thành viên về việc chi ít nhất 2% GDP cho ngân sách cho quốc phòng.
Các khách mời từ châu Á - Thái Bình Dương
Một điểm đáng chú ý nữa của cuộc họp là 4 nhà lãnh đạo từ châu Á - Thái Bình Dương: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Đây là năm thứ 2 liên tiếp họ tham dự cuộc họp thượng đỉnh NATO.
Nỗ lực tiếp cận của NATO tuy chỉ mới ở giai đoạn sơ khai nhưng đã vấp phải những phản ứng, như cựu Thủ tướng Úc Paul Keating gọi Tổng thư ký Stoltenberg là “kẻ ngu xuẩn tối cao” vì đã tăng cường quan hệ giữa liên minh với khu vực. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối kế hoạch mở văn phòng liên lạc NATO tại Tokyo.
Với việc NATO đang tập trung quá nhiều vào Ukraine đã đặt ra nghi vấn về mối quan tâm của Liên minh đối với một khu vực cách nửa vòng trái đất. Tại sao 4 nhà lãnh đạo này trở thành nhân vật thường xuyên xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh của các nước châu Âu và Bắc Mỹ?
Trước hết, Úc, New Zealand, Nhật, Hàn là những thành viên nổi bật trong liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine và ủng hộ việc trừng phạt Nga. Vì vậy hiện diện của họ tại một cuộc họp thảo luận tình hình Ukraine có ý nghĩa.
Quan trọng hơn, Quan niệm Chiến lược 2022 (văn bản nêu rõ giá trị, mục đích và vai trò của NATO) đặc biệt chú trọng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lần đầu tiên, vào năm ngoái, tài liệu này đề cập đến tham vọng và chính sách của Trung Quốc như một thách thức lớn đối với an ninh, lợi ích và giá trị của NATO. Nó cũng đề cập cụ thể đến sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga - điều mà NATO coi là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc đã được thiết lập.
Điều này cho thấy, NATO cần tăng cường các mối quan hệ đối tác hiện có trong khu vực và phát triển thêm các mối quan hệ mới.
Các quan hệ đối tác mới sẽ như thế nào?
Tại cuộc họp thượng đỉnh năm nay, NATO chính thức hợp thức hóa mối quan hệ đối tác với Úc, New Zealand, Nhật, Hàn.
Nhật và Úc đi đầu. Truyền thông Nhật tuần trước đưa tin hai nước này đã hoàn thành đàm phán với NATO về một thỏa thuận mang tên Chương trình Hợp tác riêng biệt, vạch rõ những lĩnh vực mà NATO sẽ hợp tác với từng nước. New Zealand cùng Hàn Quốc cũng sắp hoàn tất thỏa thuận của riêng mình.
Các quan hệ đối tác chủ yếu tập trung vào an ninh hàng hải, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, vũ trụ, công nghệ mới nổi.
Riêng ở lĩnh vực quân sự, NATO cùng 4 nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ cải thiện năng lực phối hợp hoạt động giữa quân đội các bên.
Loạt quan hệ đối tác nêu trên không có nghĩa lực lượng hay trang bị NATO sẽ hiện diện dài hạn ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng không phải “khúc dạo đầu” cho nỗ lực thiết lập một liên minh như NATO tại khu vực.