WHO thông tin về chất làm ngọt aspartame trong nước giải khát, sữa chua có thể gây ung thư
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:20, 14/07/2023
Aspartame là chất làm ngọt hóa học nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác nhau từ những năm 1980 trở đi. Nó được tìm thấy trong đồ uống ăn kiêng, kẹo cao su, gelatin, kem, các sản phẩm từ sữa như sữa chua, ngũ cốc ăn sáng, kem đánh răng, thuốc ho và vitamin dạng nhai.
Francesco Branca, Giám đốc dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO, cho biết: “Chúng tôi không khuyên các công ty thu hồi sản phẩm, cũng như không khuyên người tiêu dùng ngừng tiêu thụ hoàn toàn. Chúng tôi chỉ khuyên bạn nên tiết chế một chút”.
Francesco Branca nói điều này trong cuộc họp báo trình bày kết quả của hai cuộc đánh giá bằng chứng hiện có về aspartame.
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC) đã tiến hành đánh giá lần đầu tiên về khả năng gây ung thư của aspartame tại một cuộc họp ở thành phố Lyon (Pháp) từ ngày 6 đến 13.6.
WHO cho hay: “Nhóm làm việc đã phân loại aspartame là chất có thể gây ung thư cho con người”. Aspartame được xếp vào danh mục Group 2B (Nhóm 2B), dựa trên bằng chứng hạn chế hiện có, đặc biệt liên quan đến ung thư biểu mô tế bào gan (một loại ung thư khởi phát từ gan).
Group 2B bao gồm các chất mà IARC xác định có khả năng gây ung thư ở con người, dựa trên các bằng chứng thí nghiệm hoặc dữ liệu quan sát.
Cũng có bằng chứng hạn chế về ung thư do aspartame gây ra ở động vật thí nghiệm.
Theo Paul Pharoah, giáo sư dịch tễ học ung thư tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở thành phố Los Angeles (Mỹ), mũ lô hội và axit caffeic có trong trà, cà phê cũng thuộc Group 2B.
Paul Pharoah nói: “Công chúng không nên quá lo lắng về nguy cơ ung thư liên quan đến hóa chất được phân loại là Group 2B”.
Chuyên gia Mary Schubauer-Berigan của IARC cho biết bằng chứng hạn chế về ung thư biểu mô tế bào gan đến từ ba nghiên cứu, được thực hiện ở Mỹ và trên 10 quốc gia châu Âu.
Bà nói với các phóng viên: “Đây là những nghiên cứu dịch tễ học hiếm hoi kiểm tra bệnh ung thư gan”.
Francesco Branca nhấn mạnh rằng WHO đã nhìn nhận vấn đề này và chỉ ra cần có sự rõ ràng hơn về tình hình. Tuy nhiên, ông cũng không cho rằng vấn đề này có thể bị coi nhẹ và bỏ qua.
Ngoài IARC, nhóm thứ hai là JECFA đã họp tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 27.6 đến 6.7 để đánh giá các rủi ro liên quan đến aspartame. JECFA là Ủy ban chuyên gia hỗn hợp về phụ gia thực phẩm được thành lập bởi WHO và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc.
JECFA kết luận rằng dữ liệu mà họ đánh giá cho thấy không có lý do gì để thay đổi lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được (ADI) từ 0 đến 40 miligam aspartame trên mỗi kg trọng lượng cơ thể, được thiết lập vào năm 1981.
Với một lon nước giải khát không đường thường chứa 200 hoặc 300 miligam chất làm ngọt aspartame, một người trưởng thành nặng 70 kg sẽ cần tiêu thụ hơn 9 đến 14 lon mỗi ngày để vượt quá ADI, giả sử không bổ sung lượng aspartame từ các nguồn khác.
Francesco Branca nói: “Vấn đề là ở những người tiêu thụ nhiều. Ai đó thỉnh thoảng uống một lon soda không nên lo lắng”.
Hiệp hội Chất làm ngọt Quốc tế cho biết việc phân loại aspartame vào Group 2B đặt nó trong cùng nhóm với kim chi và các loại rau muối chua khác.
“JECFA một lần nữa xác nhận lại tính an toàn của aspartame sau khi tiến hành đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện và nghiêm ngặt về mặt khoa học”, Frances Hunt-Wood, Giám đốc Hiệp hội Chất làm ngọt Quốc tế, cho biết.
Song với Camille Dorioz, Giám đốc chiến dịch tại tổ chức người tiêu dùng Foodwatch, bản cập nhật hôm 14.7 của WHO để lại một “vị đắng”. Ông nói: “Một chất làm ngọt có khả năng gây ung thư không nên có chỗ trong đồ ăn thức uống của chúng ta”.
Francesco Branca được hỏi về những gì người tiêu dùng nên làm trong bản cập nhật hôm 14.7 của WHO, khi cố gắng chọn thứ tốt nhất giữa đồ uống có thêm đường và loại có thêm chất làm ngọt.
“Nên có một lựa chọn thứ ba được cân nhắc, đó là uống nước thay thế và hạn chế hoàn toàn việc tiêu thụ các sản phẩm có đường. Có những lựa chọn thay thế không chứa đường tự do hoặc chất tạo ngọt và đó phải là những sản phẩm nên được người tiêu dùng ưa thích”, ông trả lời.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, đường tự do là những loại đường được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, đóng gói dưới dạng đường ăn và các chất làm ngọt khác. Đường tự do còn xuất hiện tự nhiên trong si rô, mật ong, nước ép trái cây, nước ép rau quả, các thực phẩm đã bị xay nhuyễn hoặc ép.
Hồi tháng 5, WHO cho biết chất làm ngọt nhân tạo (được sử dụng để thay thế đường trong một loạt các sản phẩm) không giúp giảm cân và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
WHO: Không sử dụng chất làm ngọt nhân tạo để giảm cân
WHO khuyến cáo không nên sử dụng chất làm ngọt không đường để kiểm soát trọng lượng cơ thể hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Hướng dẫn của WHO dựa trên đánh giá mang tính hệ thống các bằng chứng sẵn có, cho thấy việc sử dụng chất làm ngọt không đường (NSS) không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào trong việc giảm mỡ cơ thể ở người lớn hoặc trẻ em.
Kết quả của đánh giá này cũng cho thấy việc sử dụng NSS lâu dài có khả năng gây ra những tác động không mong muốn như tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, các bệnh tim mạch và tử vong ở người lớn.
Theo Francesco Branca, việc thay thế đường tự do bằng NSS không giúp kiểm soát cân nặng về lâu dài. Vì thế, mọi người cần xem xét các biện pháp khác để giảm nạp đường tự do như tiêu thụ thực phẩm có đường tự nhiên (hoa quả hoặc thực phẩm) và đồ uống không đường.
NSS không phải là các yếu tố dinh dưỡng thiết yếu và không có giá trị dinh dưỡng. Mọi người nên giảm độ ngọt trong khẩu phần ăn, bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ để nâng cao sức khỏe.
Khuyến cáo trên được áp dụng với mọi người trừ những cá nhân đã mắc bệnh tiểu đường từ trước và bao gồm tất cả chất làm ngọt phi dinh dưỡng tổng hợp, tự nhiên hoặc được điều chế vốn không được phân loại là đường, được tìm thấy trong các loại thực phẩm và đồ uống chế biến, hoặc được bán riêng để người tiêu dùng cho thêm vào thực phẩm và đồ uống.
NSS phổ biến gồm acesulfame K, aspartame, advantame, cyclamates, neotame, saccharin, sucralose, cỏ ngọt và các chiết xuất từ cỏ ngọt. Khuyến cáo không áp dụng với các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân có chứa NSS như kem đánh răng, kem dưỡng da và thuốc hoặc với đường calo thấp và rượu đường (polyol), vốn là đường và các chiết xuất từ đường chứa calo và vì thế không được coi là NSS.
Khuyến cáo của WHO được đánh giá có điều kiện do mối liên quan trong các bằng chứng giữa NSS và kết quả bệnh tật có thể bị nhầm lẫn bởi đặc điểm cơ bản của những người tham gia nghiên cứu và các cách sử dụng NSS phức tạp. Điều này đồng nghĩa rằng các quyết định chính sách dựa trên khuyến nghị này có thể cần được thảo luận độc lập theo bối cảnh tại từng quốc gia cụ thể, các tác nhân liên quan chẳng hạn như mức độ tiêu thụ ở các nhóm có độ tuổi khác nhau.
Thông tin trên là một phần của bộ hướng dẫn hiện có và sắp ban hành về chế độ ăn lành mạnh nhằm xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh suốt đời, cải thiện chất lượng chế độ ăn uống và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trên toàn thế giới.