Những điều lo ngại về vắc xin COVID-19 đầu tiên dùng cho người của Nga

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:18, 01/08/2020

Nhiều người vui mừng khi nghe thông tin vắc xin COVID-19 của Nga sẵn sàng sử dụng cho con người, song vẫn còn một số điều lo ngại.

Vài tuần trước, Nga tuyên bố hoàn thành thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người.

Theo nhiều nguồn tin, loại vắc xin này có thể nhận sự chấp thuận theo quy định để trở thành loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được thông qua cho con người sử dụng.

CNN tiết lộ chính quyền Nga lên kế hoạch vắc xin COVID-19 (do Viện Gamleya ở Moscow và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga hợp tác phát triển) sẽ sẵn sàng vào ngày 10.8 hoặc thậm chí sớm hơn thế. Song, điều cần lưu ý là Nga vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc xin. Các nhà nghiên cứu Nga cho biết sẽ hoàn thành giai đoạn hai trước ngày 8.3 và tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ ba bằng cách tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế của mình.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga, nơi đang tài trợ cho nghiên cứu vắc xin, nói trong một cuộc trò chuyện với CNN rằng: “Đó là một khoảnh khắc của Sputnik” (ý nhắc tới thời khắc Liên Xô phóng thành công Sputnik, vệ tinh đầu tiên trên thế giới, lên không gian vào năm 1957).

Trong khi với nhiều người đang lo sợ COVID-19, tin tức đó nghe có vẻ tốt lành vì cuối cùng cũng có cách chữa trị căn bệnh khiến hơn 683.000 người chết thì vẫn còn một số điều lo ngại.

Trước hết, thử nghiệm của Nga được tiến hành trong quy mô khá nhỏ với khoảng 20 tình nguyện viên, trong khi các loại vắc xin khác đang được phát triển trên khắp thế giới có hàng ngàn người tham gia. Ngoài ra, quá trình bào chế vắc xin COVID-19 của Nga dường như khá vội vàng.

Một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 tại Nga giữa tháng 6.2020.

Nga không minh bạch về loại công nghệ mà họ sử dụng để phát triển vắc xin COVID-19. Quan chức Nga tuyên bố rằng vắc xin COVID-19 này sử dụng các vectơ adenovirus ở người đã bị làm cho yếu đi để chúng không thể táo tạo trong cơ thể người.

Trong khi đó, hầu hết các ứng cử viên vắc xin COVID-19 cần dựa vào hai trong số các vectơ này và người thử nghiệm sẽ được tiêm mũi thứ hai.

Dù vậy, chính quyền Nga tuyên bố rằng vào tháng 8, dữ liệu khoa học của họ sẽ được công bố để mọi người xem xét và xóa đi nghi ngờ.

Các nhà khoa học Nga tiết lộ vắc xin được phát triển nhanh chóng vì là phiên bản sửa đổi của một loại vắc xin từng được bào chế để ngừa các bệnh khác.

Trong buổi họp báo hôm 29.7, Tổng thống Vladimir Putin (Nga) tuyên bố: “Các yêu cầu chính với vắc xin là cần chứng minh được tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng, do đó mọi thứ cần phải được thực hiện rất cẩn thận và chính xác. Niềm tin của chúng ta vào vắc xin phải tuyệt đối”.

Phó thủ tướng Nga, bà Tatyana Golikova tiết lộ việc sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới.

Gần đây, các nhà chức trách Nga bác bỏ tuyên bố cho hacker tấn công các phòng thí nghiệm của Canada, Mỹ và Anh để đánh cắp dữ liệu nghiên cứu về vắc xin COVID-9.

Bên cạnh vắc xin COVID-19 của Nga, các ứng cử viên tiềm năng khác là vắc xin ChAdOx1 do Đại học Oxford (Anh) phát triển (Ấn Độ sẽ sản xuất) và vắc xin mRNA của công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại Mỹ.

Với các thử nghiệm vắc xin cuối cùng ở người, Đại học Oxford đã mời khoảng 5.000 tình nguyện viên. Trong khi có 30.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin của Moderna.

Tính đến thời điểm viết bài, Nga là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 4 thế giới (sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ) với 839.981 ca bệnh, trong đó có 13.963 người chết và638.410 trường hợp phục hồi.

CEO Google, Apple, Facebook, Amazon ở phiên điều trần lịch sử: Ai trả lời nhiều nhất và nói gì?

Nhân Hoàng