Viện Pasteur TP.HCM: Một số nơi đã xảy ra tình trạng 'dịch chồng dịch'

Thông tin Y học - Ngày đăng : 07:50, 19/07/2023

Với xu hướng gia tăng của 2 bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết như hiện tại, hoàn toàn có thể xảy nguy cơ “dịch chồng dịch” trong thời gian tới. Và thực tế ở một số nơi đã bắt đầu xảy ra tình trạng này.

ThS.BS Lương Chấn Quang - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật - Viện Pasteur TP.HCM đã nhấn mạnh như trên với phóng viên Một Thế Giới về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam hiện nay.

vien-pasteur-tphcm-mot-so-noi-da-xay-ra-tin-trang-dich-chong-dich-hinh-anh(1).png
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)- Ảnh: PV

Theo BS Lương Chấn Quang, khu vực phía nam là vùng lưu hành của bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Năm 2022 là năm dịch lớn; bệnh sốt xuất huyết cao nhất trong hơn hai mươi năm qua, đồng thời cũng là một trong những năm có số ca mắc tay chân miệng cao. Tuy nhiên sẽ là chủ quan khi cho rằng sau năm dịch sẽ tiếp nối bằng năm yên lặng của hai bệnh này.

Vậy ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng năm nay?

Hiện nay khu vực phía nam đang vào mùa mưa, số vật chứa nước gia tăng nhanh, khiến cho lăng quăng và muỗi dễ dàng phát triển hơn và thuận lợi cho việc lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Thực tế, sốt xuất huyết đang gia tăng và đã xuất hiện ổ dịch cục bộ một vài nơi. Số ca mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới có nguy cơ sẽ gia tăng mạnh, nếu các biện pháp kiểm soát muỗi lăng quăng chưa triệt để.

Số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng, đáng chú ý là chỉ trong gần 2 tháng qua, số ca tay chân miệng nặng tăng rất nhanh và đã xuất hiện các trường hợp ca tử vong do bệnh tay chân miệng; kết quả xét nghiệm đã ghi nhận vi rút EV71 đang chiếm ưu thế. Đây là chủng vi rút thường gây dịch tay chân miệng lớn, nhiều biến chứng hơn và nhiều tử vong hơn các chủng vi rút gây bệnh tay chân miệng khác.

Trong các tuần của tháng 6 vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM, tăng liên tục, mỗi tuần tăng khoảng 10%. Trong khi đó, bệnh chỉ mới bắt đầu vào mùa cao điểm (từ tháng 9 đến tháng 11). Liệu rằng, số ca mắc tăng sớm như thế có nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát thành dịch vào lúc cao điểm của bệnh không, thưa ông?

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, bệnh nguy hiểm vì tốc độ lây lan nhanh, có thể gây tử vong, nhưng chưa có thuốc điều trị và dự phòng. Hễ mùa mưa đến, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng. Dữ liệu giám sát cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng cao vào mùa mưa, và đạt đỉnh vào khoảng tháng 9-11, sau đó giảm tự nhiên. Bệnh sốt xuất huyết năm nay cũng không nằm ngoài diễn tiến dịch tễ hàng năm. Do khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của khu vực phía nam luôn thuận lợi cho muỗi phát triển, nên nếu không được can thiệp và kiểm soát tốt hơn, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết là hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Bệnh tay chân miệng cũng tăng cao, đặc biệt là có sự xuất hiện của chủng EV71- chủng đã từng gây ra dịch tay chân miệng và tử vong lớn tại TP.HCM vào năm 2011. Sự quay lại của chủng EV71 này cùng với diễn biến của bệnh tay chân miệng hiện nay, theo ông, liệu năm 2023 này có gây ra dịch tay chân miệng và tử vong cao ở TP.HCM như năm 2011?

Việc chủng vi rút EV71 đang chiếm ưu thế trở lại sau nhiều năm sẽ khiến gia tăng nguy cơ bùng dịch tay chân miệng ở khu vực, vì trẻ nhỏ chưa có miễn dịch với chủng vi rút EV71 sẽ nhiễm bệnh.

So với trước đây, ngành y tế đã có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và giám sát, phòng chống dịch, nên đã chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, cải thiện năng lực trong điều trị ca bệnh, đồng thời phát hiện sớm ổ dịch, điều tra và xử lý kịp thời, qua đó giới hạn sự lây lan của bệnh, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin ngừa bệnh. Mọi biện pháp phòng bệnh đều dựa vào vệ sinh cá nhân, tức phụ thuộc vào thực hành đúng của mỗi người. Trong khi đó, sau một thời gian dài không có dịch bệnh tay chân miệng, người dân đã chủ quan hơn, ít quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa bệnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giao lưu đi lại dễ dàng, biến động dân cư trong hoàn cảnh mầm bệnh đang sẵn có, bệnh tay chân miệng sẽ dễ dàng lây lan, nguy cơ cao bùng phát thành dịch.

Với những diễn biến và thực tế của tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết như hiện nay. Nhiều chuyên gia lo ngại, năm 2023 này có nguy cơ “dịch chồng dịch”. Ông nghĩ sao về điều này?

Đỉnh điểm của mùa dịch sốt xuất huyết là vào giữa mùa mưa, trong khi mùa dịch tay chân miệng thường xảy ra vào đầu năm học, khi học sinh tựu trường. Đỉnh điểm của hai bệnh này có thể trùng nhau vào khoảng tháng 9-10. Với xu hướng gia tăng hai bệnh này như hiện tại, hoàn toàn có thể xảy nguy cơ “dịch chồng dịch” trong thời gian tới. Và thực tế ở một số nơi đã bắt đầu xảy ra tình trạng này.

Để tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”, phải can thiệp ngay từ bây giờ. Lăng quăng và muỗi phải được kiểm soát tốt vào thời điểm này nhằm hạ thấp mật độ muỗi vào giữa mùa mưa, giúp kéo giảm đà tăng của sốt xuất huyết. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng trong mùa hè tại trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhằm ngăn chặn sự lây lan bệnh tay chân miệng khi học sinh đồng loạt đến trường vào mùa tựu trường tới.

Vậy theo ông đâu là cách xử lý hiệu quả nhất của dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hiện nay ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh phía nam nói chung. Ông có lời khuyên gì đối với công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết hiện nay cho TP.HCM và các tỉnh phía nam?

Để kiểm soát tốt 2 bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, không thể chỉ đơn độc ngành y tế mà rất cần sự chung tay của chính quyền các cấp, của ngành giáo dục, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt là sự tham gia của mọi người dân. Các cấp chính quyền với sự tham mưu thường trực của ngành y tế trực tiếp chỉ đạo, phân công ban ngành đoàn thể phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tổ chức giám sát kiểm tra hoạt động của địa phương nhằm đảm bảo kế hoạch phòng chống dịch được triển khai hiệu quả và đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Với sốt xuất huyết, để giúp các biện pháp chống dịch do ngành y tế triển khai được hiệu quả, cộng đồng cần chung tay với những công việc thường ngày rất đơn giản.

Cụ thể, mỗi tuần dành 10 phút để kiểm tra các dụng cụ chứa nước, bảo vệ nó bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, xúc rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, rác thải, lật úp dụng cụ không chứa nước xung quanh nhà; thay nước bình hoa.

Bảo vệ bản thân tránh bị muỗi đốt bằng các biện pháp ngủ mùng, thoa thuốc chống muỗi, mặc quần áo dài tay, dùng vợt điện diệt muỗi …

Hợp tác tốt với ngành y tế khi xử lý ổ dịch sốt xuất huyết: mở cửa nhà để vào phun hoá chất diệt muỗi và thực hiện diệt lăng quăng

Đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị sốt, nghi sốt xuất huyết như kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, hoặc nặng hơn với triệu chứng vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều….

Với tay chân miệng, cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là đảm bảo “3 sạch” (ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch cho cả trẻ em, người lớn) và người chăm sóc trẻ ở mỗi nhà và ở trường học.

Phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Đồng thời thực hiện theo dõi phát hiện sớm trẻ mắc bệnh, kịp thời  đưa đến cơ sở y tế để được cách ly, điều trị phù hợp. Trẻ bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh cần nắm vững các dấu hiệu chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới

Bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang tăng cao đột biến, tăng đến 60% so với tuần trước, đặc biệt số trẻ nhập viện trong tình trạng nặng cũng tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng nặng chiếm khoảng 30%, nếu như các năm trước con số này chỉ là khoảng 10%.

Điều này, theo các chuyên gia dịch tễ học là do trước đây, người dân thấy trẻ mắc tay chân miệng là đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời; còn hiện nay phần lớn trẻ mắc tay chân miệng phụ huynh thường để ở nhà điều trị, khi bệnh chuyển biến nặng mới đưa đến bệnh viện.

Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh  - Phó chủ tịch thường trực hội truyền nhiễm TP.HCM, bệnh tay chân miệng còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. “Sở dĩ năm nay số ca mắc tay chân miệng tăng cao là do có sự xuất hiện của chủng EV71- đây là chủng có tốc độ lây lan nhanh và gây tử vong cao. Ngoài ra, sau thời gian giãn cách vì dịch COVID-19 trẻ không có miễn dịch nên cũng khiến cho trẻ mắc bệnh nhiều hơn”, bác sĩ Khanh giải thích.

 

 

 

 

Hồ Quang (thực hiện)