Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong ngành ô tô Nga
Xe - Ngày đăng : 17:35, 20/07/2023
Tháng 11 năm ngoái, thương hiệu ô tô Liên Xô huyền thoại Moskvich được hồi sinh tại nhà máy hãng xe Pháp Renault mà chính quyền thành phố Moscow mua lại chỉ với 1 ruble. Thị trưởng Sergei Sobyanin tuyên bố đây là sự kiện lịch sử minh chứng cho sức sống của ngành ô tô Nga trước trừng phạt phương Tây.
Nhưng không giống những mẫu xe hình hộp thời Liên Xô, chiếc Moskvich mới có thiết kế dạng SUV 4 cửa kiểu dáng đẹp, dùng các bộ phận động cơ và vật liệu bọc nội thất từ đơn vị JAC Motors của Trung Quốc. Hai nguồn tin giấu tên tiết lộ dòng Moskvich 3 vừa ra mắt thật ra chính là JAC Sehol X4 lắp ráp tại Moscow.
Tháng trước, Moskvich tuyên bố hai mẫu 3 cùng 3e được sản xuất bằng cách thức lắp ráp đơn vị lớn (khung sườn - PV): chế tạo ở nhà máy nước ngoài rồi xuất sang Nga hoàn thiện cho ra thành phẩm. Hãng không cho biết đối tác nước ngoài của mình có phải JAC Motors hay không.
Hãng xe Nga khẳng định tỷ lệ nội địa hóa đang dần tăng lên. Công ty đặt mục tiêu khởi động giai đoạn sản xuất thứ hai vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, phụ trách khâu sơn và hàn, sử dụng thêm nhiều linh kiện do đơn vị trong nước cung cấp.
Dữ liệu từ Công ty phân tích Autostat cho thấy ô tô nhập từ Trung Quốc hiện chiếm 49% thị trường Nga, đạt 40.000 chiếc vào tháng 6. Trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra tỷ lệ này chỉ là 7% (tháng 6.2021).
Theo số liệu hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu ô tô chở khách sang Nga tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 3,6 tỉ USD, chỉ riêng tháng 4 đã đạt gần 1 tỉ USD.
Không những vậy, Reuters cho biết các hãng Trung Quốc còn tăng doanh số tại Nga nhờ xe lắp ráp trong loạt nhà máy mà các hãng như Renault hay Nissan bỏ lại.
Reuters dẫn nguồn tin Nga cho hay có 6 nhà máy trước đây thuộc sở hữu hoặc lắp ráp cho hãng xe châu Âu, Nhật Bản, Mỹ hiện đang sản xuất xe Trung Quốc hoặc dự định làm vậy. Công suất 6 nhà máy vào khoảng 600.000 chiếc.
Chuyên gia độc lập Vladimir Bespalov nhận xét sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc có lợi cho Nga, giúp số nhà máy bị bỏ lại khôi phục sản xuất và duy trì việc làm cho công nhân.
“Một số công nghệ sẽ được chuyển giao, một số được nội địa hóa. Chúng không phải công nghệ tiên tiến nhất, nhưng vì chẳng có lựa chọn nào khác nên như vậy đã rất tốt rồi”, theo chuyên gia Bespalov.
Giám đốc điều hành Avtodom (đơn vị mua lại cơ sở tại Nga của hãng xe Đức Mercedes-Benz) Andrey Olkhovsky cho biết họ đang đàm phán với một số hãng Trung Quốc về việc lắp ráp một dòng ô tô Trung Quốc cao cấp ở nhà máy Mercedes-Benz bỏ lại. Quyết định cuối cùng có thể được đưa ra vào cuối năm nay.
Tháng 11 năm ngoái, hãng xe Nga Sollers thông báo bắt đầu sản xuất hai dòng xe tải Atlant và Argo tại nhà máy trước đây thuộc về Ford. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ đơn vị cung cấp linh kiện chính là JAC Motors và Atlant, Argo trên thực tế chỉ là phiên bản đổi thương hiệu của hai dòng JAV Sunray N25, N35.
Hãng Avtovaz sản xuất mẫu xe Lada X-Cross 5 tại nhà máy cũ của Nissan với sự hợp tác cùng “một đơn vị phương Đông”. Một nguồn thạo tin cho biết chiếc Bestune T77 của tập đoàn Trung Quốc FAW được dùng để tạo ra X-Cross 5.