Cảnh sát và đặc vụ Mỹ sử dụng dữ liệu nhận diện khuôn mặt gây lo ngại cho xã hội
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:20, 23/01/2020
Theo The New York Times, một công ty khởi nghiệp có tên Clearview AI đã phát triển một hệ thống nhận diện khuôn mặt và tập hợp một cơ sở dữ liệu gồm hơn 3 tỉ bức ảnh được thu thập bất hợp pháp từ các mạng xã hội, và công ty này đã cung cấp quyền truy cập vào cơ sở này cho các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ.
Tờ báo lưu ý rằng bản thân việc cảnh sát và cơ quan đặc vụ Mỹ sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt gây lo ngại cho các chuyên gia và những người bảo vệ quyền riêng tư, còn các nhà báo đánh giá quy mô của cơ sở dữ liệu do Clearview AI tạo ra, chưa kể các phương pháp thu thập có thể vi phạm các điều khoản của thỏa thuận người dùng trên các mạng xã hội và các trang web có hình ảnh khác, là đặc biệt đáng lo ngại. Theo họ, Clearview AI cho phép các nhân viên thực thi pháp truy cập hệ thống hình ảnh của những người mà họ quan tâm, sau đó thuật toán đưa ra lựa chọn hình ảnh của những người này (hoặc những hình ảnh giống). Hình ảnh được đính kèm với các trang web mà chúng được trích xuất. Nhìn chung, nó giống với dịch vụ FindFace của Nga, tìm kiếm người từ các bức ảnh trên mạng xã hội VKontakte.
Được biết, hệ thống của Clearview AI đã giúp cảnh sát khám phá một số tội ác, bao gồm trộm danh tính, gian lận thẻ tín dụng, giết người và tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em. Ví dụ, cảnh sát bang Indiana đã có thể điều tra một tội ác bằng cách sử dụng các dịch vụ AI của Clearview trong 20 phút.
Mặc dù thành công như vậy, nhưng việc sử dụng hệ thống vẫn đặt ra một số câu hỏi. Ví dụ, các thuật toán nhận diện khuôn mặt có thể phạm sai lầm gây ra oan sai cho người vô tội. Ngoài ra, việc sử dụng các hệ thống như vậy có thể dẫn đến việc tạo ra một hệ thống theo dõi toàn diện. Cuối cùng, hợp tác thực thi pháp luật với Clearview AI gây rò rỉ nhiều dữ liệu: không biết hình ảnh được tải lên hệ thống được bảo vệ như thế nào. Mặc dù công ty tuyên bố rằng các nhân viên của Clearview AI không có quyền truy cập vào những hình ảnh này, nhưng kiểm tra thực tế thì không phải như vậy và có thể dẫn đến lạm dụng.
Woodrow Harzog, giáo sư luật và khoa học máy tính tại Đại học Đông Bắc Boston, quả quyết: "Tôi không thể tưởng tượng ra một tương lai khi chúng ta có thể tận dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt mà không bị lạm dụng giám sát. Cách duy nhất để ngăn chặn là cấm tiệt hệ thống nhận diện khuôn mặt ”.
Vũ Trung Hương