Lực lượng Wagner đang ‘xích gần’ Moscow hơn?
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:31, 25/07/2023
Một số lượng không xác định các chiến binh Wagner đã chấp nhận lời đề nghị của Điện Kremlin để di chuyển cùng với ông trùm Yevgeny Prigozhin đến Belarus, nơi đơn vị bán quân sự được Tổng thống Alexander Lukashenko cung cấp nơi trú ẩn an toàn như một phần của thỏa thuận chấm dứt cuộc nổi loạn vào tháng 6.
Ông Lukashenko nói rằng, các chiến binh Wagner hiện đang huấn luyện lực lượng đặc biệt của Belarus. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã phàn nàn rằng nhóm này rất muốn “tới thăm” Ba Lan - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hình ảnh vệ tinh Maxar thu được hôm 23.7 cho thấy có hàng trăm phương tiện tại căn cứ quân sự ở Tsel, Asipovichy, miền trung Belarus, cách thủ đô Minsk khoảng 80km về phía đông nam. ISW nhận định lực lượng Wanger ở Belarus hiện "không gây ra mối đe dọa quân sự nào đối với Ba Lan hoặc Ukraine, hay NATO”.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy các chiến binh Wagner ở Belarus có vũ khí hạng nặng để tiến hành một cuộc tấn công nghiêm trọng chống lại Ukraine hoặc Ba Lan. Đây là kết quả của thỏa thuận Putin-Lukashenko-Prigozhin chấm dứt cuộc nổi loạn khi buộc lực lượng Wagner giao nộp những vũ khí hạng nặng cho Bộ Quốc phòng Nga”, ISW cho hay.
Tuy nhiên, ISW cho rằng lực lượng Wagner vẫn có thể là mối đe dọa đối với Moscow. Tổng thống Lukashenko đã nói với ông Putin rằng lực lượng Wagner sẽ vẫn tiếp tục đồn trú ở miền Trung Belarus, nhắc nhở lãnh đạo Nga về mối đe dọa mà tổ chức quân sự tư nhân này có thể đặt ra và nhấn mạnh sự kiểm soát của Minsk đối với khả năng đó.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết những tuyên bố của ông Lukashenko có thể khiến Tổng thống Nga Putin suy nghĩ về một thực tế không thoải mái rằng đơn vị đồn trú mới của Wagner ở Belarus gần Moscow hơn so căn cứ trước đây ở miền Nam nước Nga. Căn cứ cũ của Wagner ở Krasnodar Krai cách Moscow khoảng 1.370km, trong khi căn cứ mới ở Belarus cách khoảng 720km.
Ngoài ra, sự hiện diện của các chiến binh Wagner ở Belarus cũng đặt ra những vấn đề mới cho NATO, đặc biệt là ba thành viên phía đông của khối quân sự có chung đường biên giới với Belarus gồm Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Cả ba quốc gia trên đều đã cảnh báo rằng việc triển khai lực lượng Wagner có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng biên giới hiện có. Ba Lan trước đó đã phải tăng cường lực lượng quân sự gần biên giới.
Các nhà quan sát cũng đưa ra lo ngại rằng nhóm lính đánh thuê Wagner có thể đe dọa Suwalki Gap, khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng - hành lang lãnh thổ dẫn đến biên giới Ba Lan - Lithuania.
Việc các lực lượng thân Moscow kiểm soát khu vực này sẽ kết nối Belarus với vùng đất Kaliningrad của Nga và cô lập các thành viên NATO như Latvia, Lithuania và Estonia.
Samuel Ramani, tại Viện Nghiên cứu Quân sự Thống nhất Hoàng gia Anh, nói với Newsweek hôm 24.7 rằng số lượng hàng trăm chiến binh Wagner được báo cáo cho đến nay ở Belarus "dường như không tương ứng với quy mô cơ sở hạ tầng quân sự hiện có”. “Vì vậy, tôi nghi ngờ rằng các chiến binh Wagner bắt đầu tràn vào Belarus với số lượng lớn hơn”, ông nói.
Ngoài một lượng chiến binh ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga hay theo ông Prigozhin sang Belarus, các chiến binh Wagner khác vẫn đang hoạt động, đặc biệt là ở khu vực nước ngoài, nơi họ từ lâu đã đóng vai trò nhất định.
“Wagner và Prigozhin dường như vẫn được coi là một tài sản quý giá đối với Nga, ít nhất là ở châu Phi”, chuyên gia Ramani nói.
“Về ý định của Wagner ở Belarus, hiện tại thực sự có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Tôi nghĩ có một số lý do tại sao họ có thể ở đó. Trước hết, họ có thể ở đó để giúp Tổng thống Lukashenko huấn luyện lực lượng đặc biệt của mình.
Tuy nhiên, các chiến binh Wagner ở Belarus cũng có thể là một lựa chọn để đánh lạc hướng Kyiv khỏi các hoạt động phản công ở phía nam và phía đông, đồng thời kìm chân các lực lượng Ukraine dọc biên giới phía bắc để đề phòng bất kỳ sự leo thang nào”, ông Ramani nói.