Trùm Wagner có được ông Putin ‘dung thứ’ sau cuộc nổi loạn?
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:54, 28/07/2023
Cộng sự của ông Prigozhin, Dmitry Syty - người đứng đầu trung tâm văn hóa Russia House ở Cộng hòa Trung Phi (CAR) đã đăng trên Telegram một bức ảnh của ông trùm Wagner với đại diện CAR vào ngày 27.7. Ông Syty mô tả rằng bức ảnh được chụp bên lề hội nghị đang diễn ra ở thành phố St. Petersburg.
Hình ảnh lãnh đạo tập đoàn lính đánh thuê Wagner với quan chức châu Phi đã nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội của Nga và phương Tây - làm ngạc nhiên giới quan sát và chuyên gia quân sự.
Ông Prigozhin tháng trước đã lệnh cho lính của mình hành quân đến Moscow. Cuộc nổi loạn kết thúc vào ngày hôm sau theo thỏa thuận do Tổng thống nước láng giềng Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian, trong đó yêu cầu bất kỳ binh lính Wagner nào còn lại trong khu vực sẽ khởi hành đến Belarus.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó mô tả hành động của ông chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner là sự phản bội đối với nước Nga và với chính các chiến binh Wagner.
Một số nhà phân tích cho rằng sự trở lại của Prigozhin có thể đã được Tổng thống Putin chấp thuận vì tầm ảnh hưởng lớn của tập đoàn Wagner ở châu Phi, bao gồm cả việc cung cấp sự bảo vệ cho các quan chức chính phủ ở Cộng hòa Trung Phi và Mali. Động thái này cũng có thể giải thích tại sao Prigozhin không phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng sau cuộc nổi loạn.
"Ông Putin đang cần Prigozhin vào lúc này để tiếp tục theo đuổi lợi ích của nhà nước Nga ở châu Phi. Những lợi ích này bao gồm sự cạnh tranh với phương Tây trong hợp tác an ninh, khai khoáng và năng lượng”, giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern (Mỹ) nói với Newsweek.
Theo ông Reno, nhóm Wagner cũng tích cực tham gia vào dự án thu hút các nhóm cực hữu và một số trí thức châu Phi để đối phó lại phương Tây. “Bất chấp những hệ quả của một cuộc nổi loạn vào tháng trước, Prigozhin vẫn là nhân tố không thể thiếu đối với lợi ích của Nga”, ông cho hay.
Tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi lần này, chỉ có 17 nguyên thủ quốc gia tại “lục địa đen” tới tham dự so với 43 nguyên thủ vào năm 2019. Phía Nga lưu ý rằng các quốc gia châu Phi khác đã cử quan chức chính phủ hoặc đại sứ đến.
Một số nhà quan sát nhận định số lượng các quốc gia châu Phi tham dự giảm có thể là vì đảm bảo tính trung lập trong cuộc chiến tại Ukraine. Số khác cho rằng một số nhà lãnh đạo châu Phi có thể đã quyết định bỏ qua hội nghị thượng đỉnh này vì Nga đã chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen trong tháng này.
Việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển trong cuộc chiến, đã làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Tổng thống Putin đã cố gắng trấn an các đồng minh châu Phi của mình bằng cách cung cấp ngũ cốc miễn phí cho họ.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ông chủ Điện Kremlin đã tăng cường nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi và việc ông trùm Wagner Prigozhin hiện diện tại hội nghị thượng đỉnh trên có thể phản ánh mục tiêu đó.
"Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của ông Prigozhin tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi là hành động trấn an các chính phủ châu Phi nơi Wagner đang hoạt động, cũng như là một lời cam kết rằng lực lượng này vẫn sẽ ở lại các quốc gia đó nhằm thay mặt cho chính phủ Nga hỗ trợ họ", Mark N. Katz, giáo sư tại Đại học George Mason (Mỹ) cho Newsweek biết.
Bình luận về phản ứng trực tuyến đối với các bức ảnh có mặt ông trùm Wagner tại hội nghị thượng đỉnh, GS Katz cho rằng "thông điệp, nếu có, hướng tới công chúng Nga dường như là Prigozhin vẫn đang làm việc thay mặt cho Nga, với sự ủng hộ của Tổng thống Putin, ở châu Phi”.
"Đây cũng có thể là một phần của chủ đề lớn hơn mà tôi tin rằng Moscow đang cố gắng phát triển: "Cuộc nổi loạn của Wagner" không phải là một âm mưu đảo chính, và bất cứ điều gì xảy ra đều đã bị phương Tây phóng đại, và rằng ông Putin và Prigozhin vẫn đang hợp tác với nhau”, chuyên gia Katz nói.
David Silbey - phó giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell nhận xét với Newsweek rằng ông nghĩ điều quan trọng là phải xem xét đối tượng chụp cùng ông trùm Wagner trong những bức ảnh được công bố là ai. Và đây có thể là tín hiệu cho thấy Prigozhin “đã trở lại với tư cách là người vẫn được nuông chiều”.
"Cần biết rằng Wagner có thể là một trong những công cụ mà Tổng thống Nga sử dụng để làm đòn bẩy nhằm thúc giục quân đội Nga tiến bộ, bởi lực lượng bán quân sự này không nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng”, Silbey nói và thừa nhận rằng sự trở lại của Prigozhin là điều “khó giải thích”.