Kết quả trận Công an Hà Nội - Hải Phòng có thể đã khác nếu có VAR
Thể thao - Ngày đăng : 08:05, 30/07/2023
VAR xuất hiện trong trận Viettel thắng Hà Tĩnh 4-0 đã giúp tổ trọng tài có những quyết định chính xác. Ngược lại, kết quả trận CAHN với Hải Phòng có thể đã khác nếu có VAR.
CAHN xứng đáng có quả phạt 11m
Highlights trận đấu giữa CAHN và Hải Phòng FC - Nguồn: FPT Bóng đá Việt
Phút 85, từ cánh trái Đoàn Văn Hậu tạt bóng vào trung lộ cho đồng đội Gustavo Henrique, nhưng bóng lại chạm trung vệ Văn Đạt của Hải Phòng bật ra và đồng đội của Đạt phá bóng lên phía trên. Cầu thủ CAHN phản ứng yêu cầu phạt đền, nhưng trọng tài chính Nguyễn Đình Thái vẫn cho trận đấu tiếp tục vì cho rằng bóng không chạm tay hậu vệ Hải Phòng.
Xem lại pha chiếu chậm ở hai góc quay, nếu có VAR, nhiều khả năng trọng tài Thái sẽ phải cho đội CAHN hưởng phạt đền.
Khi đó Hải Phòng đang dẫn 1-0, nếu CAHN có được quả phạt 11m thì có thể kết quả trận đấu sẽ khác. Có thể CAHN đã có 1 điểm để vươn lên dẫn đầu khi cùng 29 điểm với Hà Nội FC và Thanh Hóa FC nhưng hơn hiệu số bàn thắng bại (13 so với 9 và 8). Nhưng vì thua 0-2, CAHN vẫn xếp thứ ba khi cùng 28 điểm với Viettel, nhưng xếp trên nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại (13 với 9).
Cần nhắc thật chi tiết về khoảng cách sít sao giữa 4 đội dẫn đầu để chúng ta càng hiểu rõ rằng, chỉ một sai lầm của trọng tài làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, và tác động trực tiếp đến cuộc đua tranh chức vô địch.
Dấu ấn tích cực của VAR trong trận Viettel - Hà Tĩnh
Trận đấu giữa Viettel và Hà Tĩnh tại vòng 3, giai đoạn 2 V-League 2023 trên sân Hàng Đẫy là trận đấu đầu tiên của giải vô địch quốc gia áp dụng công nghệ VAR sau quá trình thử nghiệm và được FIFA đồng ý cấp phép.
Trong trận đấu này, trọng tài chính là ông Ngô Duy Lân; 2 trợ lý là ông Nguyễn Trung Hậu và Phạm Hoài Tâm; trọng tài thứ 4 là ông Nguyễn Ngọc Châu. Trong phòng VAR, người điều hành chính là trọng tài Mai Xuân Hùng và trợ lý là trọng tài Dương Hữu Phúc. Giám sát trọng tài là ông Võ Minh Trí.
Có nghĩa là những trọng tài hàng đầu của bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã có mặt trong trận đầu tiên có VAR, và VAR đã đem lại những tín hiệu tích cực.
Đó là tình huống ở phút thứ 10, Jose Pinto của Hà Tĩnh phải nhận thẻ đỏ từ trọng tài Ngô Duy Lân. Nhưng sau khi VAR vào cuộc, trọng tài Lân đã thay màu thẻ: đỏ thành vàng.
Phút 69, tiền vệ Hoàng Đức nâng tỷ số lên 2-0 cho Viettel trong tình huống khá nhạy cảm và có thể việt vị. Trọng tài chính cùng tổ VAR đã vào cuộc và bàn thắng được công nhận.
Đến phút bù giờ 90+8, Trần Danh Trung của Viettel bị ngã trong vòng cấm, trọng tài Ngô Duy Lân đã không thổi phạt đền. Nhưng sau khi được tổ VAR tư vấn, ông Lân đã xem lại màn hình và sau đó thay đổi quyết định: cho Viettel hưởng phạt đền. Thế rồi Đức Chiến ấn định kết quả chung cuộc 4-0 cho Viettel ở phút 90+14.
Cho dù trọng tài Ngô Duy Lân đã 6 lần dừng trận đấu, trong đó có hai lần dừng 5 phút khi dùng VAR để xem xét lại các tình huống, nhưng quyết định cuối cùng đã đem lại sự hài lòng cho cả hai đội.
Do đây là trận đầu tiên áp dụng VAR nên không thể tránh khỏi việc phối hợp giữa tổ trọng tài VAR với trọng tài chính cần nhiều thời gian để xử lý. Đó là vì ai cũng mong muốn có được những quyết định chính xác nhất để giảm tối đa sai sót. Chính vì vậy người xem không tránh khỏi cảm giác trận đấu bị gián đoạn, cầu thủ chờ đợi. Nhưng những điều chưa hoàn thiện này không đáng kể so với cái được khi có VAR. Hơn nữa việc mất thời gian nhiều cho VAR sẽ giảm dần khi các trọng tài Việt Nam dần quen với công nghệ này.
Tất nhiên VAR không phải là tất cả, nhưng có VAR sẽ đem lại công bằng hơn cho tất cả các bên liên quan đến trận đấu. Và hơn hết, BĐVN bắt buộc phải áp dụng VAR vì đó là xu hướng phát triển chung của thế giới bóng đá chuyên nghiệp.
Được và chưa được của VFF, VPF
Trọng tài đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đội bóng và có quá nhiều sai sót của đội ngũ này ngay trong mùa giải V-League 2023. Đó là lý do ngày 11.4, Thường trực Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã gửi văn bản yêu cầu Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các thành viên tham dự V-League thực hiện nghiêm túc các giải pháp đảm bảo chất lượng công tác điều hành trận đấu, tổ chức và đảm bảo an ninh an toàn.
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, Thường trực Ban chấp hành VFF yêu cầu VPF và các thành viên tham dự giải thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Thường trực Ban chấp hành.
VFF nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ với FIFA tổ chức đợt tập huấn nhằm sớm đưa hệ thống VAR vào sử dụng hỗ trợ cho công tác trọng tài.
Theo ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF đồng thời là Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, dự kiến phải đến mùa giải 2023-2024, công nghệ VAR mới được áp dụng tại V-League.
Theo giải thích của những người đang điều hành hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, có nhiều rào cản khiến BĐVN chưa thể tiếp cận với VAR, trong đó 2 nguyên nhân quan trọng nhất là tài chính và yếu tố con người, do hiện nay lực lượng trọng tài BĐVN đang thiếu hụt.
Hai khó khăn này, người bình thường cũng biết, nhưng để dẫn đến thực trạng này khiến cho VAR chưa được áp dụng ở V-League trong khi Thai-League đã áp dụng, thì trước tiên phải đặt câu hỏi về cách thức điều hành của cơ quan quản lý bóng đá.
Vì kinh phí thiếu hụt là do thương hiệu, uy tín V-League chưa đủ sức hút tài trợ nên BĐVN không thể kiếm được nhiều tiền từ V-League. Về thiếu hụt trọng tài thì từ lâu đã cho thấy BĐVN thiếu tầm nhìn cùng chiến lược đào tạo đội ngũ này.
Từ thực trạng này mà việc VAR được áp dụng sớm ở V-League là nỗ lực đáng khen của VFF và VPF.
Theo nguồn tin của Một Thế Giới, nếu không có gì thay đổi, Ban tổ chức sẽ áp dụng VAR ở trận đấu giữa Hà Nội FC với Hải Phòng FC tại vòng 4, giai đoạn 2 V-League 2023 diễn ra trên sân Hàng Đẫy vào lúc 19 giờ 15 ngày 2.8.
Dự kiến VAR sẽ được áp dụng từ 3 đến 5 trận đấu trong giai đoạn 2 V-League 2023. Theo lời khuyên của FIFA, khi mới làm quen, công nghệ VAR nên áp dụng ở V-League trong những trận đấu không có tính chất căng thẳng, ảnh hưởng tới cuộc đua vô địch cũng như cuộc chiến trụ hạng.
***
Với những gì diễn ra qua hai trận Viettel - Hà Tĩnh và CAHN - Hải Phòng thì việc VAR được áp dụng sẽ rất tốt cho BĐVN. VAR sẽ làm cho trận đấu trở nên công minh hơn, trọng tài sẽ đưa ra những quyết định chính xác hơn.
Với các đội bóng, không đội nào muốn trọng tài bắt thiên vị cho đội bóng của mình, thay vào đó họ chỉ cần trọng tài công tâm, bắt đúng. Nếu trọng tài sai sót triền miên, sai sót có hệ thống sẽ khiến các đội ức chế, khó thi đấu tốt và BĐVN khó phát triển.
Việc mời trọng tài quốc tế đến Việt Nam để điều hành một số trận quan trọng ở V-League không phải là giải pháp tốt khi vừa ảnh hưởng đến uy tín, năng lực trọng tài Việt Nam trong mắt quốc tế, mà còn vì trọng tài ngoại được mời điều hành ở V-League cũng sai sót!
Không phải ngẫu nhiên BĐVN đã mất niềm tin ở trọng tài. Chính bóng ma này là một trong những nguyên nhân khiến những doanh nghiệp, các ông bầu đã giảm hẳn hứng thú đầu tư đàng hoàng vào các đội bóng, thậm chí đã có những người quay lưng với bóng đá. Những người đang đầu tư, đầu tư rất nhiều vào CAHN FC chắc chắn sẽ rất đau lòng khi trọng tài không cho CAHN FC được hưởng quả phạt 11m, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tranh chức vô địch của đội bóng.
Hình ảnh xấu từ những sai sót được lặp đi lặp lại nhiều lần của trọng tài đã khiến cho V-League mất điểm và bị tụt hậu so với Thai-League.
Do đó, V-League không chỉ cần sớm có công nghệ VAR mà nên có VAR ở tất cả trận đấu để giới hạn tối đa sai sót của trọng tài để đem lại công bằng cho tất cả các bên liên quan, đồng thời dần lấy lại uy tín, thương hiệu cho V-League.