Mùa hẹ nước quê tôi
Văn hóa - Ngày đăng : 11:15, 31/07/2023
Ngày trước, hẹ nước chỉ là loài cỏ hoang dại, mỗi lần vào vụ gieo sạ lúa là bà con nông dân phải nhổ bỏ. Giờ, hẹ nước trở thành đặc sản, là món ăn ưa thích của giới nhà giàu, được bán người dân bày bán với giá hàng chục nghìn đồng mỗi ký.
Khoảng 20 năm trước, quê tôi – vùng đất ngọt hoá, ngoại thành của TP.Cà Mau (Cà Mau), khi bước vào mùa mưa khoảng hơn 1 tháng, đó cũng là lúc cây hẹ nước bắt đầu sinh sôi, mọc lên um tùm ở ruộng lúa. Thời đó, mỗi khi bước vào vụ mùa là bà con nông dân quê tôi bắt đầu cải tạo đất, phát hoang cỏ dại, làm sạch ruộng đồng trước khi sạ lúa. Cây hẹ nước lúc đó được bà con nông dân cho là loài “vô tích sự” nên chẳng ai ngó tới. Có chăng, những lúc thiếu ăn, những người dân nghèo thường nhổ hẹ nước về để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Còn giới nhà giàu, chẳng ai quan tâm đến loài cây dại này.
Ông Trần Văn Hoàng (66 tuổi), ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau cho biết, cách đây hàng chục năm, ở vùng này, mỗi khi bước vào mùa mưa, hẹ nước mọc rất nhiều, chẳng ai thèm ăn. Giờ đây, mỗi lần thèm hẹ nước chấm mắm kho, lẩu mắm hay chấm cá kho... thì phải ra chợ tìm mua mới có được. “Hẹ nước giờ trở thành đặc sản, giá cả rất đắt, lên đến hàng chục nghìn đồng mỗi ký chứ không phải là loại bỏ đi như ngày xưa”, ông Hoàng nói.
Giờ, đã bước vào thời kỳ hội nhập, thời đại công nghệ số 4.0 phát triển mạnh mẽ, cây hẹ nước cũng trở nên có giá trị, mỗi ký được người dân bày bán ở chợ từ 20.000 – 25.000 đồng/kg (tuỳ thời điểm). Hẹ nước được người dân bày bán ở khắp các chợ ở quê, ra cả thị thành, thậm chí, nhiều người còn buôn bán ngay trên mạng xã hội. Khi có khách đặt mua, là họ giao hàng đến tận nhà.
Chị Nguyễn Thị Hằng, người mua bán hẹ nước, ngụ huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Vào vụ hẹ nước, mỗi ngày tôi bán trên 100kg với giá từ hơn 20.000 đồng/kg. Hẹ nước được tôi mua lại từ người dân địa phương rồi đem bán ở các chợ, hoặc giao mối cho khách sỉ và bán trên mạng xã hội. Loại này bán đắt lắm, giờ hẹ nước vào nhà hàng, quán ăn và được thực khách ưa chuộng. Thậm chí, nhiều nông dân thu nhập từ hẹ nước còn cao hơn thu nhập từ vụ lúa”.
Từ tờ mờ sáng, hàng chục người dân ở vùng quê của xã An Xuyên, TP.Cà Mau í ới gọi nhau ra đồng để thu hoạch hẹ nước. Sau những cơn mưa đầu mùa, hẹ nước bắt đầu sinh sôi, những cây hẹ nước non mọc nhiều trên ruộng lúa. Người dân chỉ cần ra đồng nhổ về bán là có tiền, trung bình mỗi người có thu nhập từ 400.000 – 1.000.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Kim Thuỷ, ngụ ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, TP.Cà Mau cho hay: “Trung bình mỗi ngày 2 mẹ con tôi nhổ hẹ bán, có thu nhập từ hơn 500.000 đồng. Những lúc đầu mùa hẹ có giá hơn 25.000 đồng/ký thì mỗi ngày tôi có thu nhập hơn 1 triệu đồng”.
Theo chị Thuỷ, mặc dù nhổ hẹ nước là công việc phụ của gia đình, nhưng hằng năm cứ đến mùa là cả gia đình chị Thuỷ lại tập trung làm vài tháng để kiếm thêm thu nhập. Có những năm hẹ mọc nhiều, bán được giá cao nên gia đình chị Thuỷ có thu nhập lên đến gần trăm triệu đồng. Đây là số tiền lớn để trang trải cuộc sống gia đình những lúc nông nhàn, trong thời gian đợi mùa lúa chín.
Hằng năm, hẹ nước xuất hiện khoảng 2 tháng, nhiều nhất từ tháng 6 đến cuối tháng 7 dương lịch. Do thời gian xuất hiện ngắn nên người dân nơi đây tranh thủ tối đa nguồn lực trong gia đình để khai thác hẹ. “Trước đây, hẹ nước là loại rau dân dã ngoài đồng được nhổ lên ăn liền trong những bữa cơm vội ngoài ruộng, nên ít ai nghĩ đến loại này sẽ bán được. Những năm gần đây, hẹ nước trở thành món ngon khoái khẩu trong các quán ăn hay trong bữa cơm gia đình của người dân phố thị nên có giá trị cao”.
Hẹ nước thường được dùng để ăn sống, chấm với cá kho, thịt kho, lẩu mắm hoặc mắm kho. Tuy nhiên, món ăn gây nhớ nhất đối với hẹ nước phải kể đến món lẫu mắm. Bởi, khi được ăn kèm với mắm, người dùng sẽ cảm nhận được hương vị trọn vẹn của mắm, độ ngọt và giòn của lá hẹ tạo cho người ăn cảm giác nhớ mãi không quên.