Ngoại trưởng Mỹ: Chiến tranh hạt nhân không tệ bằng biến đổi khí hậu

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:45, 31/07/2023

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tuyên bố việc trái đất đang ngày càng nóng lên là "mối đe dọa hiện hữu" số một đối với thế giới.

Phát biểu trên truyền hình hôm 30.7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh mối đe dọa hủy diệt hạt nhân không nghiêm trọng hơn mối đe dọa biến đổi khí hậu.

"Tôi cho rằng không nên nói về bất kỳ loại phân cấp nào. Có một số điều quan trọng có thể bao gồm các loại xung đột tiềm ẩn, song chắc chắn rằng khí hậu là thách thức hiện sinh đối với tất cả chúng ta", ông Blinken nói.

ngoai-truong-my-2.png
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - Ảnh: AP

"Vì vậy, đối với chúng tôi, hiện tượng nóng lên toàn cầu là thách thức hiện hữu của thời đại chúng ta, nhưng như thế không đồng nghĩa với không còn những thách thức cấp bách khác đối với trật tự quốc tế như cuộc chiến tại Ukraine. Chúng tôi cần phải đảm đương đa nhiệm", quan chức ngoại giao Mỹ cho hay.

Các nhà khoa học đến từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng này đã thực hiện nghiên cứu liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Kết quả nghiên cứu cho biết nhiệt độ trong tháng 7 năm nay chắc chắn phá vỡ kỷ lục với biên độ đáng kể. Dựa vào dữ liệu được sử dụng để theo dõi các bản thống kê có từ năm 1940, nhiều nhà khoa học khẳng định rằng gần như chắc chắn nhiệt độ tháng 7 là nóng nhất trong 120.000 năm qua.

Rất nhiều người dân trên khắp thế giới đã chứng kiến tình trạng nắng nóng khắc nghiệt. Thậm chí, thế giới cũng đã ghi nhận nhiều người tử vong liên quan đến nắng nóng kéo dài cùng mối đe dọa an ninh lương thực.

Với việc tháng 7 được coi là tháng nóng nhất trong lịch sử, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi “tăng tốc hành động” để giảm lượng khí thải carbon, bao gồm cả việc chấm dứt sử dụng than trên toàn cầu vào năm 2040.

Đầu mùa hè này, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đã yêu cầu một cuộc đại tu hệ thống nông nghiệp của thế giới để giảm lượng khí thải carbon từ canh tác nhằm ngăn chặn “0,5 độ C nóng lên vào giữa thế kỷ”.

Hoàng Vũ