Startup đối mặt khó khăn thời 'tiền khó'
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:50, 31/07/2023
Mùa đông gọi vốn “khắc nghiệt”
Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% dưới ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ 2023 cho thấy sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.
Theo số liệu từ công ty dữ liệu tài chính Tracxn, vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam giảm 82% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, còn 66 triệu USD.
Theo Tracxn, phần lớn nguyên nhân dẫn đến điều này là do nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19, cùng với tỷ lệ lạm phát tăng dẫn đến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc rót vốn.
Tương tự, dữ liệu tổng hợp của Tech in Asia, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á trong năm 2023 - từ giai đoạn hạt giống đến IPO - đang trên đà rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Nếu xu hướng đầu tư trong nửa đầu năm 2023 được giữ nguyên, các chuyên gia dự đoán tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á sẽ cán mốc 6,2 tỉ USD trong cả năm.
Riêng tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup công nghệ tính từ đầu năm tới ngày 28.6 khoảng 0,4 tỉ USD, bằng một nửa so với cả năm 2022 và vẫn cách xa năm 2021, thời điểm bùng nổ đầu tư cho lĩnh vực công nghệ.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam cho rằng khó có thể lạc quan với tình hình gọi vốn trong thời điểm này, bởi sự ảnh hưởng của tín dụng thắt chặt, lãi suất cao trên toàn cầu.
“Sự khắc nghiệt của “mùa đông gọi vốn” thực sự chỉ được cảm nhận đúng và rõ nhất từ chính những người trong cuộc - là những nhà sáng lập phải dành nhiều thời gian gọi vốn hơn với mức định giá thấp hơn và những nhà đầu tư phải thận trọng, thắt chặt kỉ luật đầu tư hơn từ bên trong các quỹ. Tất cả những yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến việc gọi vốn nói chung trở nên khó khăn hơn, từ đó dẫn đến kết quả tất yếu là số thương vụ gọi vốn và số tiền gọi được bị sụt giảm”, bà Dung nói.
Tuy vậy, bà Hoàng Thị Kim Dung cũng chia sẻ rằng đằng sau tin tức các startup công bố gọi vốn có thể là startup đó đã hoàn tất việc gọi vốn trước đó khá lâu, và thời điểm công bố thông tin cũng nằm trong chiến lược truyền thông của các công ty startup.
Ngoài ra, theo bà Dung, đằng sau những thương vụ gọi vốn được hoàn tất thì trên thực tế startup đã dành ra từ 6 tháng tới hơn 1 năm trước đó để thực hiện? Do đó, các dữ liệu thống kê gọi vốn công chúng đọc được ngày hôm nay thường không phản ánh chính xác tình hình thực tế đã xảy ra trong khoảng thời gian đó. Mức chênh lệch về thời gian có thể là từ 6 tháng tới 1 năm, thậm chí là còn hơn vậy nữa.
Mô hình nào thu hút nhà đầu tư thời “tiền khó”?
Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy, bất chấp môi trường đầu tư toàn cầu đầy biến động, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ tay nghề cao.
Lời khuyên phổ biến nhất dành cho các công ty khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay là tập trung vào các khía cạnh cơ bản của doanh nghiệp, sử dụng vốn một cách khôn ngoan với cách tiếp cận chiến lược, và liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ 2023 cũng dẫn nhận định của bà Trần Hoài Phương, Giám đốc đầu tư Wavemaker, cho rằng thời kỳ khó khăn sẽ không kéo dài và startup có thể coi giai đoạn này như một thử thách để củng cố lại nền tảng của công ty (công nghệ/đội ngũ/unit economics) và quản lý tài chính một cách nghiêm khắc. Các nhà sáng lập nên kiên trì và lạc quan để tiếp tục hành trình của mình, tuy nhiên, họ cũng cần phải thực tế và thận trọng.
Theo bà Phương, startup nên xác định lại sứ mệnh của công ty; kiểm tra lại mô hình doanh thu và tìm cách tối đa hóa doanh thu; kiểm tra lại cấu trúc chi phí; lên kế hoạch huy động vốn với sự linh hoạt và thận trọng hơn, sẵn sàng đưa ra mức định giá khiêm tốn hơn so với kỳ vọng của năm ngoái khi các nhà đầu tư còn tràn đầy lạc quan.
Bà Hoàng Thị Kim Dung cho rằng trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn chung như hiện nay, nhìn chung là tổng cầu giảm khiến startup có thể sẽ khó đạt được các chỉ tiêu kinh doanh của mình, hoặc cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn để đạt được nó. Vì vậy, việc đảm bảo cho startup có thể vượt qua được vòng tiếp theo, để tồn tại và tiếp tục hành trình phát triển của mình sẽ trở nên nhiều rủi ro hơn nữa.
Bà Dung cũng chia sẻ về mô hình kinh doanh có thể thu hút được nhà đầu tư thận trọng ở giai đoạn kinh tế hiện nay.
Cụ thể, đầu tiên với những ngành thiết yếu trong cuộc sống của mọi người, như ăn uống - y tế - giáo dục có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với những ngành khác, với tổng cầu có giảm nhưng cũng không giảm quá mạnh. Các startup trong mảng này, nếu có sản phẩm thực sự phù hợp, vẫn thuyết phục được khách hàng sử dụng bằng giá trị của mình, thì vẫn có cơ hội phát triển.
“Các startup này có thể vẫn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, có thể không quá bứt phá như trước nhưng trước mắt có thể tồn tại và phát triển bằng nội lực. Còn những mảng chưa thực sự quá thiết yếu trong giai đoạn hiện nay như giải trí, du lịch, thời trang, đầu tư, thanh toán, tài chính… thì sẽ khó khăn hơn”, bà Dung nêu.
Bà Dung cũng cho rằng những mô hình kinh doanh có đặc điểm "ngốn" nhiều vốn ban đầu sẽ khó thuyết phục được nhà đầu tư hơn (những mô hình phải đầu tư có sở vật chất ban đầu, phải bỏ nhiều tiền để thu hút người dùng…).
“Điểm chung của những mô hình kinh doanh này là “tiền ra như nước sông Đà, tiền vào nhỏ giọt (hoặc không có) như cà phê phin”. Đơn giản là trước bài toán chi phí vốn cao và khó tiếp cận, mà các startup luôn trong trạng thái khát vốn nên nếu không có vốn bên ngoài thì coi như là huyệt tử”, bà Dung chia sẻ.