Những giải pháp rút ngắn khoảng cách từ trung tâm TP.HCM tới Cần Giờ

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 20:19, 31/07/2023

Hiện nay Cần Giờ vẫn là huyện vùng sâu, vùng xa của TP.HCM. Kết nối gần như duy nhất của Cần Giờ với các tỉnh xung quanh và ngay chính với TP.HCM vẫn là những tuyến phà.

Trong tháng 7, đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu, đã khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM.

Thủ tướng đánh giá cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép - Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.

Theo Thủ tướng, quy hoạch Cần Giờ cần tính tới hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, các dự án dân cư, du lịch, lấn biển…

Với lợi thế về vị trí, Cần Giờ sẽ được quy hoạch là đầu mối giao thông quan trọng của không chỉ TP.HCM mà còn của các tỉnh phía nam. Nhưng để trở thành đầu mối giao thông thì trước hết huyện Cần Giờ phải có giao thông thật thông suốt với khu vực xung quanh. Còn vào thời điểm hiện tại, Cần Giờ vẫn là huyện vùng sâu, vùng xa của TP.HCM. Kết nối gần như duy nhất của Cần Giờ với các tỉnh xung quanh và ngay chính với TP.HCM vẫn là những chuyến phà.

Xây cầu và kết nối đường bộ

Điều mong mỏi nhất của người dân Cần Giờ và TP.HCM là một cây cầu để thuận tiện đi lại. Năm 2016, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung dự án cầu Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020.

Chính quyền TP.HCM ngay sau đó đã bắt tay vào việc tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, lựa chọn nhà đầu tư… Phương án đầu tư dự kiến là BT đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, sau khi có luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, hình thức dầu tư BT của dự án đã dừng lại và thành phố tính toán các phương thức đầu tư khác, bao gồm BOT, BT trả chậm bằng tiền, đầu tư công…

Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM trong tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin thành phố đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ khu đô thị lấn biển Cần Giờ, đồng thời đã trao đổi trực tiếp và yêu cầu nhà đầu tư cố gắng hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh để đến năm 2025 khởi công dự án này.

pha.jpg
Phà Bình Khánh kết nối Cần Giờ với TP.HCM đã quá tải - Ảnh: Internet

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết Sở đã cơ bản hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh. Hiện dự án ở bước tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn và xin ý kiến của Bộ GTVT. Song song, Sở GTVT đang cùng địa phương rà soát chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay để có thể khởi công vào ngày 30.4.2025.

Cùng với cầu Cần Giờ, để đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành, nơi tuyến cao tốc đi qua tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ; đồng thời các cầu vượt sông trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Nghiên cứu tuyến metro kết nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ

Trong báo cáo về một số nội dung nghiên cứu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh mạng lưới đường sắt kết nối vùng, nhằm cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060 cũng như quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết dự định trên.

Một trong 6 nội dung được Sở đề cập là tuyến đường sắt đô thị thứ hai sẽ vượt sông Soài Rạp sang Cần Giờ, kết nối nội đô TP.HCM đến khu đô thị du lịch 2.870 ha lấn biển Cần Giờ. Tuyến này dự kiến liên kết với tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè.

Mở tuyến phà biển Cần Giờ-Vàm Láng

Cuối tháng 7, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận phương án khai thác, chủ trương xây dựng tiêu chí và thành lập tổ công tác lựa chọn doanh nghiệp khai thác hoạt động tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển Cần Giờ-Vàm Láng.

Theo Sở, việc khai thác phà biển Cần Giờ-Vàm Láng là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, tăng cường kết nối huyện Cần Giờ đi các tỉnh bằng đường thủy, tạo điều kiện đột phá phát triển kinh tế xã hội và du lịch huyện Cần Giờ. Điều này cũng sẽ phát triển vận tải hành khách, hàng hóa giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Hiện tuyến vận tải hành khách, hàng hóa cố định từ huyện Cần Giờ đi tỉnh Tiền Giang bằng đường thủy chỉ khai thác bằng tàu gỗ, trọng tải thấp, chỉ vận chuyển được hành khách, hàng hóa và xe máy (không vận chuyển ôtô).

Theo khảo sát của Sở GTVT TP.HCM và Tiền Giang, vị trí dự kiến mở bến tại phía Cần Giờ là khu vực cầu bến Đồng Hòa trên sông Hà Thanh-Đồng Hòa (gần cửa sông Soài Rạp) và tại Gò Công Đông là khu vực cảng cá Vàm Láng (cũ). Tuyến phà biển Cần Giờ-Vàm Láng dài khoảng 12 km, với thời gian hành trình 30 phút, tối thiểu 4 chuyến/ngày (4 lượt đi và 4 lượt về). Điều này giúp rút ngắn đáng kể thời gian cho các xe ô tô muốn qua lại giữa hai địa phương.

Trước đó, tại TP.HCM cũng đã triển khai mô hình tương tự tại bến khách ngang sông Cần Giờ-Cần Giuộc (hoạt động từ tháng 8.2018) và tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu (hoạt động từ tháng 12.2020).

Về tiến độ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi được chấp thuận về phương án khai thác, chủ trương xây dựng tiêu chí và thành lập tổ công tác để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, Sở sẽ triển khai khai thác tuyến ngay trong quý 2/2024.

Hồ Đông