Làm gì để chắp cánh cho bóng đá nữ Việt Nam bay xa, bay cao?

Góc bình luận - Ngày đăng : 21:35, 01/08/2023

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam (BĐNVN) thua cả 3 trận, bị lọt lưới 12 bàn và không ghi được bàn nào tại World Cup 2023. Kết quả như thế này đã được báo trước.

Một đội bóng bốn lần liên tiếp đoạt Huy chương vàng SEA Games từ 2017 đến 2023, nhưng khi ra sân đấu đỉnh cao thế giới, từ người hâm mộ cho đến các chuyên gia, thậm chí ngay cả những người trong cuộc như HLV Mai Đức Chung đều chỉ dám mơ đội tuyển BĐNVN thực hiện được mục tiêu: ghi bàn!

Khiêm tốn thế thôi và nếu được, có thêm điểm từ kết quả hòa hoặc thắng thì không còn gì đẹp hơn.

Nhưng, mộng không thành và chúng ta phải chấp nhận. Một sự chấp nhận mà nói không buồn là không thực tế, và càng buồn hơn khi cũng lần đầu tiên tham dự World Cup, hai đại diện của Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines đều ghi được bàn thắng, thậm chí là có chiến thắng khi Thái Lan thắng Bờ Biển Ngà 3-2 tại World Cup 2015 và Philippines vừa thắng New Zeaand 1-0 ở World Cup 2023.

Nhưng chúng ta chỉ chấp nhận nỗi buồn này ở lần đầu tiên có mặt ở vòng chung kết World Cup, và càng không chấp nhận cách nói cùng suy nghĩ: Thua trong tự hào!

BĐNVN thời gian ngắn vừa qua, chính xách là kể từ khi đoạt vé tham dự vòng chung kết World Cup 2023 đã được quan tâm, đầu tư, chăm sóc nhằm chuẩn bị cho World Cup là rất tốt. Từ chế độ dinh dưỡng với tiêu chuẩn 1 triệu đồng/người/ngày, những chuyến tập huấn thi đấu chất lượng ở Nhật, Đức đặc biệt là qua New Zealand trước khi World Cup khai mạc hơn nửa tháng để làm quen thời tiết lạnh giá cùng 2 trận giao hữu chất lượng với đội đồng chủ nhà World Cup là New Zealand và Tây Ban Nha, có thể nói VFF đã lên kế hoạch tốt nhất có thể cho đội tuyển BĐNVN.

Nhưng tất cả chỉ là chăm sóc phần ngọn, một sự chăm sóc dù có tốt đến mấy cũng không thể giúp đội tuyển BĐNVN nâng cao trình độ chuyên môn trong một sớm một chiều. HLV đội tuyển BĐNVN, ông Mai Đức Chung đã phát biểu nhấn mạnh rất đúng rằng: ý chí, tinh thần không thể bù đắp chuyên môn! Có nghĩa là vũ khí tinh thần mà các cầu thủ Việt Nam không thua kém bất kỳ ai chỉ có tác dụng ở World Cup khi trình độ BĐNVN đạt tầm thế giới.

Ai đến Việt Nam làm bóng đá từ nam đến nữ đều biết rằng, người Việt Nam chỉ thích chiến thắng, và quay ngoắt 180 độ khi thua. Thật là bất công và nực cười khi chỉ đòi hỏi bóng đá chiến thắng mà không biết cách làm sao để có được bóng đá chiến thắng? Làm thế nào duy trì được chiến thắng cũng như làm sao thành công đi lên từ thất bại?

Đội tuyển nữ Nhật Bản đã thua cả 3 trận và bị lọt lưới 12 bàn đồng thời không ghi được bàn nào khi lần đầu tiên có mặt ở vòng chung kết World Cup 1991. Thật trùng hợp, đội tuyển BĐNVN đã là đội châu Á thứ hai thua cả trận, không ghi được bàn thắng nào ở vòng đấu bảng World Cup và cũng bị lọt lưới 12 bàn.

Nhưng những người điều hành BĐVN có tìm hiểu vì sao đội tuyển nữ Nhật Bản lại có thể vào tứ kết World Cup 1995 rồi vô địch Wolrd Cup 2011 cũng như là á quân World Cup 2015 dù rằng chiều cao trung bình của các cô gái Nhật Bản khi đó là 1m62 chỉ hơn các cô gái Việt Nam ngày nay 2cm?

Có ai biết sau khi bị loại từ vòng 1/16 tại World Cup 2019, bóng đá Nhật đã làm gì để không bị tụt hậu để rồi họ có thành công ban đầu tại World Cup 2023 khi trở thành đội đầu tiên giành vé vào vòng 1/16 cũng như là đội đầu tiên toàn thắng 3 trận ở vòng đấu bảng, trong đó có trận thắng giòn giã 4-0 trước Tây Ban Nha hạng 6 trên bảng xếp hạng FIFA, dù rằng chiều cao trung bình của đội Nhật Bản chỉ cao 1m64.

Có mấy ai tìm hiểu bóng đá học đường của Mỹ, nền bóng đá nữ số một thế giới ra sao? Bóng đá nữ học đường của Nhật Bản, Hàn Quốc như thế nào? Các giải vô địch bóng đá nữ quốc gia của họ ra sao?

Nhìn lại mình, giải vô địch bóng đá nữ quốc gia chỉ có 7 đội trong đó có hai đội là đội hình 2 của Hà Nội và TP.HCM. Có nghĩa là 7 đội, nhưng chỉ đại diện cho 5 tỉnh thành trên cả nước. Giải vô địch quốc gia còn như thế, huống chi là giải trẻ thì làm sao trở thành cái nền vững chắc để phát triển đỉnh cao? Và tất nhiên, bóng đá học đường là vùng trắng.

Từ đây chúng ta dễ dàng trông thấy sau thế hệ Huỳnh Như, BĐNVN có thể hệ kế thừa đủ mạnh?

Philippines đã xác định cách làm để phát triển bóng đá nữ của họ là nhập tịch và chọn người từ môi trường bóng đá học đường Mỹ. Với 100% cầu thủ nhập tịch trong đội hình xuất phát, Philippines đã thắng New Zealand. Với hướng đi này, sớm khắc phục được điểm yếu về thể hình, sức vóc của khu vực Đông Nam Á, Philippines đang đe dọa ngôi Nữ hoàng Đông Nam Á của BĐNVN.

Các nhà lãnh đạo BĐVN có thấy ra điều này?

BĐVN nói chung và BĐNVN nói riêng, có đội ngũ nghiên cứu, phân tích xu hướng, chiến thuật, chiến lược, hệ thống, quy trình đào tạo bóng đá trẻ của thế giới rồi từ đó xây dựng riêng mô hình sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước con người Việt Nam?

Các tuyển thủ BĐNVN có được giao lưu, học hỏi với các câu lạc bộ của các nền bóng đá nữ hàng đầu châu Á, thế giới? BĐNVN có những lớp đào tạo nâng cao trình độ cho huấn luyện viên?

Còn quá nhiều điều để làm, đáng làm và rất cần làm trong thời gian tới khi BĐNVN đã “được” quá nhiều sau những trận thua ở World Cup 2023.

Quan trọng là chúng ta có chịu học từ những thất bại và có chịu “du học” để đem những tinh hoa của những nền bóng đá hàng đầu thế giới mà phù hợp với Việt Nam để áp dụng?

Vậy nên câu hỏi "làm gì để chắp cánh cho bóng đá nữ Việt Nam bay xa, bay cao?" không phải không có câu trả lời!

Đặng Hoàng