11 trẻ ngộ độc do ăn quả hồng châu, 1 em tử vong

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:55, 02/08/2023

Liên tiếp trong hai ngày 31.7 và 1.8, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đã tiếp nhận 11 trẻ bị ngộ độc quả hồng châu, trong đó 1 em đã tử vong, 3 em nguy kịch.

Thông tin cho báo chí, bác sĩ Phạm Anh Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, một trong số 11 trẻ bị ngộ độc quả hồng châu hôm 1.8 đã tử vong, 3 bé khác phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Trước đó, trong hai ngày 31.7 và 1.8, bệnh viện đã tiếp nhận 11 trẻ ngộ độc sau khi ăn quả hồng châu. Các bệnh nhi độ tuổi từ 3 - 12, vào viện trong tình trạng ngộ độc nặng, gây rối loạn chuyển hóa, lúc mơ, lúc tỉnh, hô hấp kém, đau đầu, đau bụng, tổn thương thị giác.

Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng do nhiễm độc nặng, tối 1.8 bệnh nhi S.T.M. (9 tuổi, ở xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn) đã tử vong. Ngoài ra, 3 bệnh nhi khác trong tình trạng ngộ độc nặng đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

ngo-doc-ha-giang-1-.jpg
Bệnh nhi ngộ độc quả hồng châu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang

Đánh giá về tình trạng các bệnh nhi, bệnh viện cho biết cả 3 trẻ khi vào viện trong tình trạng ngộ độc nặng, gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, nếu để chậm cấp cứu sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh viện đã khẩn trương tổ chức hội chẩn theo đúng phác đồ để nhanh chóng thải độc cho các bệnh nhi. Sau nhiều giờ điều trị tích cực, đến đầu giờ chiều 2.8, tình trạng của 3 trẻ đã tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng.

Từ các kết quả xét nghiệm, khám lâm sàng và hội chẩn cho thấy, 3 bệnh nhi có cải thiện rõ rệt, tỉnh táo, bớt hiện tượng buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác cũng được cải thiện… Hiện tại các triệu chứng lâm sàng cơ bản ổn định, dấu hiệu phục hồi sức khỏe tốt.

Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang, cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá xã Tả Lủng, Tả Phìn, Lũng Táo, Ma Lé… của huyện Đồng Văn. Quả hồng châu là loại quả rừng có độc tính rất mạnh, thường chín rộ vào các tháng 6, 7, 8 hằng năm.

Độc tố chính của quả hồng trâu là alkaloid, chứa chủ yếu trong nhân hạt, tác động lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp, dẫn đến suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác trong quả có thể gây tổn thương cơ quan khác như gan, thận...

Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại cây, củ, quả lạ mọc trong rừng, trong đó có quả hồng châu để phòng ngừa ngộ độc có thể dẫn đến tử vong. Khi thấy trong người xuất hiện các các triệu chứng ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Dạ Thảo