Bảo vệ cá voi, chống biến đổi khí hậu bằng việc định giá tín chỉ carbon

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 13:05, 03/08/2023

Anaelle Durfort - nhà sinh thái học tại Đại học Montpellier, Pháp đã định lượng carbon được cô lập trong quần thể động vật biển để làm nổi bật mối liên hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Quá trình cô lập carbon ở động vật diễn ra như thế nào?

Cách mà carbon di chuyển vào đại dương thông qua cá voi cho thấy mối liên hệ phức tạp giữa sự đa dạng sinh học và khí hậu. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các sinh vật sống, rồi chính chúng ảnh hưởng đến phát thải khí nhà kính.

Bởi vì cá voi rất lớn nên cơ thể chúng chứa rất nhiều carbon trong các mô và sau khi chết, chúng giữ lượng carbon đó dưới đáy đại dương trong hơn một thế kỷ. Nói ví von, cá voi giống như một tàu vận tải carbon từ khí quyển xuống đáy đại dương, với tổng khối lượng tùy theo kích thước của quần thể động vật biển có vú khổng lồ này.

Trước khi chúng bị săn bắt ở quy mô lớn, cá voi có rất nhiều ở Nam Cực và nhóm của Anaelle Durfort ước tính rằng chúng đã cô lập tổng cộng 400.000 tấn carbon mỗi năm. Nhóm nghiên cứu tính toán rằng con số này đã giảm xuống còn 60.000 tấn vào năm 1972, do hậu quả của hàng thế kỷ đánh bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại. Kể từ khi việc săn bắt cá voi bị cấm tạm thời thông qua một thỏa thuận quốc tế vào năm 1986, quần thể cá voi dần phục hồi.

Nhưng sự phục hồi của các quần thể cá voi còn phụ thuộc vào mức độ biến đổi khí hậu (cũng như các yếu tố khác như tỷ lệ va chạm giữa cá voi và tàu). Xem xét hai kịch bản, nhóm nghiên cứu đã ước tính được sinh khối của xác cá voi dưới đáy biển vào năm 2100. Theo kịch bản xấu nhất do Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu đề xuất (trong đó sự nóng lên toàn cầu dao động từ 3,3°C đến 5,4°C đến năm 2100), lượng hấp thụ carbon của cá voi sẽ chỉ đạt 170.000 tấn mỗi năm. Nếu không có biến đổi khí hậu, các quần thể cá voi được phục hồi có thể cô lập gần gấp đôi lượng carbon trên.

Cá voi sẽ không cứu được biến đổi khí hậu khi lượng khí thải carbon toàn cầu đã đạt 10 gigaton (10 × 10^9 tấn) vào năm 2021. Thế nhưng, nghiên cứu của Anaelle Durfort cho thấy, các hoạt động của con người đang ảnh hưởng đến “bể chứa carbon” ngoài tự nhiên như thế nào và có thể ngăn cản quá trình phục hồi của chúng. 

Nghiên cứu tập trung vào loài nhuyễn thể. Tại sao?

Từ cá voi, nhóm của Anaelle Durfort đã nghiên cứu chuỗi thức ăn, tập trung vào việc đánh giá sinh khối của loài nhuyễn thể ở Nam Cực (Euphausia superba), loài giáp xác nhỏ có vai trò then chốt trong chuỗi thức ăn ở Nam Cực — và đặc biệt có tính sống còn đối với chế độ ăn của cá voi.

Nhìn vào quá trình cô lập carbon qua trung gian của các loài bị khai thác như cá voi và loài nhuyễn thể, nhóm của Anaelle Durfort đã nêu bật mối liên hệ giữa đa dạng sinh học, hoạt động của con người và khí hậu. Đánh bắt nhuyễn thể ở quy mô công nghiệp, thường là để làm thức ăn cho vật nuôi hoặc phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, có tác động đến toàn bộ chuỗi thức ăn biển, cũng như các chu trình sinh địa hóa.

Thực tế đặt ra câu hỏi về việc sử dụng nhuyễn thể như một nguồn tài nguyên: những lợi ích mà con người thu được có xứng đáng với những thiệt hại về môi trường và khí hậu không? Tất cả chúng ta nên cân nhắc các hoạt động của mình trước câu hỏi này.

Định giá cho cá voi bằng carbon?

Xem xét lượng carbon mà cá voi có thể hấp thụ, một số nhà kinh tế và tổ chức phi chính phủ đã dùng carbon để định giá cho các loài động vật. Họ đánh cược rằng việc áp dụng điều này sẽ khuyến khích bù đắp carbon và bảo vệ động vật. Ý tưởng là các tổ chức từ việc chi tiền tài trợ cho việc bảo vệ cá voi sẽ được cấp tín chỉ carbon tương ứng với cá voi mà họ giúp bảo tồn.

Việc thương mại hóa tự nhiên dưới danh nghĩa bảo tồn dường như vẫn gây tranh cãi. Tất nhiên, giải pháp này là một phần trong nỗ lực đối phó cuộc khủng hoảng sinh thái và xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt. Thế nhưng, việc này không phải giải pháp căn cơ vì có lẽ tín chỉ carbon từ việc bảo vệ cá voi chỉ được coi là việc khuyến khích chứ không thể coi là động lực trong giảm thải khí carbon, bảo vệ môi trường.

Tín chỉ carbon là chứng nhận hay đại diện cho quyền phát thải ra 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 tương đương (quy đổi từ tấn khí nhà kính khác sang tấn khí CO2), gắn liền với giá trị giảm hay đền bù cho lượng khí nhà kính phát thải.

Tín chỉ carbon là một loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon.

Thông qua thị trường carbon có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Nguồn thu năm 2020 lên khoảng 50 tỉ USD và đặc biệt đã quản lý được khoảng 13 tỉ tấn CO2, tương đương khoảng 23% tổng phát thải toàn cầu.

Tín chỉ carbon

Anh Tú