Chiều nay, Thủ tướng họp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:50, 03/08/2023
Văn phòng Chính Phủ vừa có Công điện số 1113/CĐ-VPCP về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS. Hội nghị dự kiến diễn ra vào lúc 14 giờ, ngày 3.8.2023.
Thành phần dự hội nghị ngoài các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và các địa phương còn còn có các hiệp hội BĐS và một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Vingroup, SunGroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.INVEST, IMG, Tập đoàn Phú Cường, Becamex IDC Bình Dương, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Nam Long, Công ty Hoàng Quân…
Ngoài ra, các ngân hàng: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quân đội (MB Bank); các doanh nghiệp xây lắp như Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng được mời tham dự hội nghị.
Tại Báo cáo công bố thông tin nhà ở và thị trường BĐS quý 2/2023, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch thứ cấp căn hộ chung cư tại một số địa phương có xu hướng giảm từ 2 - 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những địa phương có xu hướng giảm mạnh là Đà Nẵng giảm 5,8%, Đồng Nai giảm 3,5%, Hải Phòng giảm 3,1%.
Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có biến động và không có dự án mới. Giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư đạt khoảng 47,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì).
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù quý 2/2023 có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm cùng với BĐS tiếp tục giảm giá bán, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.
Báo cáo cũng cho thấy lượng tồn kho BĐS được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh), Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho BĐS trong quý 2/2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền); trong đó, chung cư tồn 1.714 căn, nhà ở riêng lẻ 7.473 căn, đất nền 7.501 nền.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp BĐS trong quý 2 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS có xu hướng giải thể tăng mạnh.
Số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so với cùng kỳ. Hiện nay, doanh nghiệp trong lĩnh vực vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng những tháng đầu năm rất khó khăn, không riêng với BĐS mà với rất nhiều ngành nghề khác. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để khơi thông những điểm nghẽn của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng như dòng tiền, pháp lý… Những chính sách này mang đến hy vọng cho thị trường và tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp phải đối mặt là dự án ách tắc vì không đủ pháp lý. Gỡ rối vướng mắc thủ tục pháp lý nhu cầu bức thiết nhưng chưa khả quan. Ngoài ra, chính sách luôn có độ trễ khi “ngấm” vào thị trường, do vậy, ít nhất phải đến năm 2024 – 2025 thì tình hình thị trường BĐS mới có thể cải thiện.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, các chuyên gia của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng nên phân chia thành các nhóm. Đối với các doanh nghiệp còn có thể tồn tại cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, giúp họ thoát khỏi vùng nguy hiểm, tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Phương án này cần ưu tiên các dự án cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Còn đối với doanh nghiệp yếu, hết khả năng triển khai dự án nhưng dự án đã hoàn thiện cơ bản pháp lý thì cần tổ chức kết nối họ với các nhà đầu tư để tiến hành mua bán và sáp nhập. Song song đó, cần các chính sách giảm thuế, giãn thuế và tháo gỡ trực tiếp những khó khăn của thị trường.