Gạo phục vụ xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể hơn 9 triệu tấn
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:05, 04/08/2023
Cũng theo ông Trần Duy Đông, sau khi cân đối giữa nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như khả năng đáp ứng từ hoạt động sản xuất, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 ít nhất cũng đạt 7,5 triệu tấn. Việt Nam không lo thiếu gạo cho xuất khẩu trong năm 2023.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho thấy, dự kiến cả năm 2023 cả nước sẽ xuống giống được 7,1 triệu ha lúa các loại, năng suất bình quân đạt 6,07 tấn/ha. Dự kiến sản lượng lúa hàng hóa năm 2023 đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Hiện các địa phương cũng đẩy mạnh tiến độ gieo sạ vụ thu đông năm 2023 với diện tích dự kiến tăng 50.000ha so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 700.000ha.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 7.2023, các địa phương trong cả nước đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng với năng suất trung bình tăng 0,8% (đạt đạt 65,7 tạ/ha) nên sản lượng lúa đã thu hoạch trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt trên 24,1 triệu tấn.
“Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến thời tiết bất thường thì sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu”, ông Đông cho biết.
Cụ thể, sau khi cân đối cho các nhu cầu lúa gạo trong nước, lượng lúa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023 đạt khoảng 15,1 triệu tấn, tương đương 7,5 triệu tấn gạo.
Cũng theo ông Đông, ước tính 7 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 4,83 - 4,84 triệu tấn. Do đó, lượng gạo hàng hóa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn. “Đó là chưa kể lượng lúa nhập khẩu từ Campuchia để phục vụ chế biến xuất khẩu”, ông Đông nói thêm.
Theo Bộ Công Thương từ đầu năm 2023 đến nay Campuchia bán sang Việt Nam 1,2 triệu tấn gạo. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu từ quốc gia này khoảng 370.000 tấn gạo.
Như vậy, nếu tính thêm lượng gạo từ Campuchia bán sang Việt Nam cũng như nhập từ Ấn Độ, sau khi cân đối cho các hoạt động nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể lên đến hơn 9 triệu tấn.
Đối với xuất khẩu, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết việc xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay là thời cơ. Tuy nhiên chúng ta phải đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại gạo toàn cầu diễn biến còn phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các bộ ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
Công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gạo, trong đó gạo trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất (55,58%) tuy nhiên đều là tỷ lệ chủng loại gạo trắng phẩm cấp cao (tỷ lệ trắng thường và thấp chỉ chiếm khoảng 1%). Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.