Bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp quang động nhìn tốt hơn trong bóng tối?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:15, 09/02/2020
Theo pubs.acs.org, liệu pháp quang động (photodynamic therapy), một hình thức liệu pháp quang học liên quan đến ánh sáng và một chất hóa học nhạy sáng, được sử dụng cùng với oxy phân tử để gây nhiễm độc quang làm chết tế bào.
Và người ta biết rằng những bệnh nhân sau khi được điều trị thường gặp một tác dụng phụ kỳ lạ - họ bắt đầu nhìn thấy rõ hơn trong bóng tối. Các nhà khoa học từ Đại học Lorraine (Pháp) đã tìm được cách lý giải hiện tượng này.
Rhodopsin, protein võng mạc nhạy cảm trong mắt, tương tác với một hợp chất nhạy cảm ánh sáng khác - chlorin E6 (chlorin e6 - Ce6). Hợp chất nhạy sáng chlorin E6 chính là một phần quan trọng của liệu pháp quang động.
Vào ban ngày, việc tiếp xúc với phổ bức xạ ánh sáng nhìn thấy được khiến võng mạc và rhodopsin tách ra, tạo ra tín hiệu điện mà não đọc được. Đó chính là cách giúp chúng ta nhận biết thế giới xung quanh.
Vào ban đêm, mắt chúng ta nhìn kém đi, vì mức độ chiếu sáng giảm. Nhưng cơ chế tác động trong điều kiện chiếu sáng cao, có thể được kích hoạt cưỡng bức bởi một sự kết hợp khác của tín hiệu ánh sáng và hóa học.
Nếu tiêm chlorin E6 vào người, sau đó tác động tới võng mạc bằng ánh sáng hồng ngoại, võng mạc sẽ phản ứng giống như khi ở trong điều kiện chiếu sáng như ban ngày. Clorin E6 hấp thụ bức xạ hồng ngoại và tương tác với oxy trong mô mắt, biến oxy thành một dạng phản ứng cao.
Sau khi sử dụng mô hình phân tử để phân tích, nhà khoa học Antonio Monari giải thích rằng dạng oxy này tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng cũng phản ứng với võng mạc và cải thiện khả năng nhìn vào ban đêm.
Theo các nhà khoa học, trong tương lai, phản ứng hóa học này thậm chí có thể được sử dụng để điều trị một số dạng bệnh khiếm thị hoặc chứng quá mẫn cảm với ánh sáng. Nhưng các bác sĩ tuyệt đối không khuyên chúng ta thử sử dụng chlorin E6 để cải thiện tầm nhìn ban đêm.
Vũ Trung Hương