Chiến tranh hạt nhân có thể khiến Trái đất lạnh thêm 10 độ C

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 12:40, 06/08/2023

Nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân quy mô, mô phỏng khí hậu cho thấy ánh sáng mặt trời giảm sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu tới 10˚C sau khoảng 10 năm.

Hiện ước tính toàn thế giới có khoảng 12.512 đầu đạn hạt nhân. Một cuộc chiến mà chỉ một phần nhỏ của những đầu đạn này được kích hoạt sẽ tạo ra làn sóng xung kích và hỏa hoạn có khả năng giết chết hàng triệu người gần như ngay lập tức. Các bệnh ung thư do bức xạ gây ra và tổn thương di truyền sẽ ảnh hưởng đến dân số còn lại trong nhiều thế hệ.

Thế giới nào sẽ tồn tại giữa bụi phóng xạ?

Trong 4 thập niên qua, nhiều nhà khoa học đã chạy các mô phỏng hệ thống Trái đất trên máy tính để tìm hiểu hậu quả của chiến tranh hạt nhân. Sử dụng kiến thức về hóa học và mô hình hóa khí hậu, hai nhà khoa học khí quyển Paul Crutzen và John Birks đã viết một báo cáo ngắn vào năm 1982, trong đó khẳng định một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ tạo ra một đám khói lớn đến mức gây ra hiện tượng được gọi là mùa đông hạt nhân. Họ tuyên bố rằng điều này sẽ tàn phá nền nông nghiệp và nền văn minh nhân loại.

Một năm sau, các nhà khoa học Mỹ và Liên Xô lần đầu tiên xác nhận rằng nếu những thành phố và khu liên hợp công nghiệp bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân thực sự sẽ tạo ra khói và bụi hơn nhiều so với việc đốt cháy diện tích rừng tương đương. Và đáng sợ hơn, lớp sương mù che phủ toàn cầu này sẽ chặn ánh sáng mặt trời, khiến các điều kiện trên bề mặt Trái đất trở nên lạnh hơn, khô hơn và tối hơn nhanh chóng.

Mô phỏng khí hậu cho thấy ánh sáng mặt trời giảm sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu tới 10 độ C sau khoảng 10 năm. Những điều kiện lạnh giá này, kết hợp với việc thực vật có ít ánh sáng mặt trời hơn để quang hợp, sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc đối với sản xuất lương thực toàn cầu và dẫn đến nạn đói hàng loạt trên toàn thế giới.

Các mô phỏng khí hậu hiện giờ tân tiến hơn nhiều so với những mô phỏng được sử dụng trong những năm 1980. Và mặc dù ngày nay có ít vũ khí hạt nhân hoạt động hơn, nhưng kết quả từ các mô phỏng trên máy tính gần đây lại cho thấy ước đoán của giới khoa học 40 năm trước còn chưa lường hết các hậu quả nặng nề.

Nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu

Nhà khoa học môi trường Alan Robock tại Đại học Rutgers ở Mỹ đã lập luận trong một báo cáo gần đây rằng lý thuyết "mùa đông hạt nhân" đã giúp chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Năm 1986, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev đã thực hiện những bước đầu tiên trong lịch sử nhằm giảm số lượng đầu đạn hạt nhân.

Ở đỉnh cao của cuộc chạy đua vũ trang vào giữa những năm 1980, đã có hơn 65.000 đầu đạn hạt nhân. Việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu xuống chỉ còn hơn 12.000 (trong đó 4.000 ở chế độ chờ hoạt động) đã làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn diện, khiến một số người đặt câu hỏi liệu các mô phỏng khí hậu được sử dụng trong những năm 1980 có đánh giá thấp hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu hay không.

Các mô phỏng khí hậu mới hơn, hiện được sử dụng để mô hình hóa những thay đổi khí hậu trong tương lai do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, cho thấy đúng là ngày xưa các nhà khoa học chưa đánh giá đúng mức các hậu quả.

Nếu xảy ra cuộc chiến hạt nhân giữa Mỹ và Nga, các mô phỏng mới cho thấy đại dương sẽ nguội sâu đến mức thế giới sẽ bị đẩy vào một "kỷ tiểu băng hà hạt nhân" kéo dài hàng nghìn năm.

Tất nhiên, còn có 7 quốc gia sở hữu hạt nhân khác: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan và Anh. Các nhà khoa học đã lập mô phỏng rằng ngay cả một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể làm chết 130 triệu người và cướp đi lương thực của hơn 2,5 tỉ người trong ít nhất 2 năm.

Mối đe dọa vẫn còn

Mô phỏng khoa học cho phép ta nhìn vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh hạt nhân mà không cần phải trải nghiệm nó. Bốn mươi năm nghiên cứu khoa học về những nguy cơ hạt nhân đã thúc đẩy việc Liên Hợp Quốc thông qua hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân vào năm 2017 - được hầu hết các quốc gia phê chuẩn nhưng không có tên 9 cường quốc hạt nhân.

Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân đã được trao giải Nobel Hòa bình cùng năm 2017 vì công việc nêu bật thảm họa sẽ xảy ra do bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào.

Mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân vẫn chưa biến mất và một kỷ băng hà hạt nhân sẽ hủy diệt phần lớn sự sống trên Trái đất trong nhiều thiên niên kỷ vẫn có thể xảy ra.

Do đó, Robock nói rằng tình hình giờ đây "thậm chí còn cấp bách hơn" đối với các nhà khoa học để nghiên cứu hậu quả của việc kích nổ vũ khí hạt nhân và đảm bảo càng nhiều người biết về chúng càng tốt. Và cuối cùng là làm việc để loại bỏ những vũ khí nguy hiểm này.

Anh Tú