Nan giải bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Giáo dục - Ngày đăng : 22:02, 08/08/2023

Năm học 2023-2024 đang tới gần, ngoài việc lo trang thiết bị cơ sở vật chất và sách giáo khoa thì các trường cũng đối diện với nỗi lo việc thiếu giáo viên bộ môn một cách trầm trọng.

Năm học mới, nỗi lo cũ 

Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông trung học (PTTH) diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước từ Sơn La, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Dương, Cần Thơ.... Các tỉnh thành liên tục gửi công văn tới Bộ GD-ĐT để chia sẻ việc thiếu giáo viên cơ hữu tại các trường.

Tại tỉnh Ninh Bình năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh dự kiến tăng 242 lớp học, trong đó, bậc mầm non tăng 41 lớp, bậc tiểu học tăng 60 lớp, bậc trung học cơ sở (THCS) tăng 128 lớp và bậc THPT tăng 13 lớp. Tuy nhiên dự kiến sẽ thiếu khoảng 2.700 biên chế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó, bậc mầm non thiếu 935 biên chế, bậc tiểu học thiếu 819 biên chế, bậc trung học cơ sở thiếu 817 biên chế và con số này ở  bậc THPT là 144 biên chế. Đây là số biên chế còn thiếu so với định mức quy định.

thi.jpg
Giải pháp nào để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là một câu hỏi lớn của ngành giáo dục

Còn tại tỉnh Thanh Hóa thì thiếu hơn 8.900 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý so với quy định của trung ương. Đây cũng là địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, đặc biệt là tại các huyện miền núi.

Tại tỉnh Sơn La thì thiếu đến 2.688 giáo viên và việc tuyển giáo viên rất khó khăn, đặc biệt là giáo viên bậc mầm non, tiểu học.

Chia sẻ về nguyên nhân thiếu hụt giáo viên một cách trầm trọng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La cho biết nguyên nhân chính là thu nhập của giáo viên không đủ hấp dẫn, thêm nữa là áp lực cao khiến nhiều người bỏ việc. Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai, có nhiều giáo viên bộ môn không thích hợp với các môn tích hợp, gia tăng áp lực khi phải soạn giáo án, học thêm về các môn khiến giáo viên cũng không còn mặn mà với nghề.

Việc thiếu giáo viên dạy các môn học mới không chỉ diễn ra ở các tỉnh miền núi xa xôi hay vùng nôn thôn mà còn xảy ra ở ngay các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Hải Phòng... Khi triển khai chương trình mới ở các cấp học, nhiều địa phương đồng loạt lên tiếng về việc thiếu giáo viên cho các môn học mới. Cấp tiểu học thiếu giáo viên Tin học; cấp THCS thiếu giáo viên tích hợp; cấp THPT thiếu giáo viên nghệ thuật. Cũng chính vì thiếu nguồn để tuyển nên một số trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tin học hay nghệ thuật...

Các tỉnh liên tục thiếu giáo viên: Vì sao nên nỗi?

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cấp học phổ thông có thêm nhiều môn học mới, hoặc một số môn được đưa vào giảng dạy ở các cấp học khác nhau. Chẳng hạn, cấp tiểu học có thêm môn Tin học (môn học bắt buộc từ lớp 3); Hoạt động trải nghiệm.

Cấp THCS có thêm các môn học mới: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm- Hướng nghiệp. Cấp THPT có thêm các môn Nghệ thuật (Âm nhạc; Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương. Đây chính là nguyên nhân khiến các giáo viên bộ môn lâu nay đang dạy chương trình cũ không theo kịp các chương trình mới, đặc biệt là các môn học tích hợp.

thi-lop-10-2023-7.jpg
Làm thế nào để giải bài toán thiếu giáo viên cho năm học mới 2023-2034

Đặc biệt, hồi đầu tháng 9.2021 là bước vào thực học cho năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT đã triển khai dạy chương trình mới ở lớp 6 nhưng ngày 21.7.2021, bộ mới có Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí.

Chính vì vậy trong những năm học qua và năm học tới đây, các giáo viên dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không nhiều. Kể từ khi Bộ GD-ĐT chính thức ban hành chương trình tổng thể đến nay đã hơn 6 năm nhưng khi triển khai, các trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo giáo viên và bổ sung nguồn nhân lực khi triển khai dạy chương trình mới.

Năm học 2022-2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Và đây cũng là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp THPT.

Để khắc phục dần tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 – 2026.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Trong đó, thách thức trước mắt là thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, thiếu tài chính, thiếu sự chăm lo. Năm học 2023-2024, ngành giáo dục sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế; tạo bước tiến lớn về thể chế, chính sách.

Năm học 2023-2024 còn là năm yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học, đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá. Với định hướng này, Bộ trưởng nêu cụ thể yêu cầu đổi mới với từng môn học như: Lịch sử, Ngữ văn, Toán học, Hoá học, Vật lí… Cùng với đó là việc quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục cũng triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ trưởng lưu ý, cần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai. Về công việc trước mắt chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng nhấn mạnh địa phương cần chuẩn bị cả về tâm thế, tư tưởng, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, sách giáo khoa, học liệu, tập huấn giáo viên.

Dạ Thảo