Cá ngừ Việt Nam sang Ý tăng 12 lần vì được ưu đãi thuế

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:26, 09/08/2023

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ý tăng 12 lần trong tháng 6 vừa qua vì được ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU.

Không nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng Ý gây chú ý với mức tăng gấp 12 lần trong tháng 6.2023. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ý sau khi sụt giảm trong tháng 1 đã tăng trưởng liên tục ở mức 3 con số trong những tháng sau đó. Và nhờ đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 5,8 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022.

ca-ngu.jpg
Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang đạt triển vọng tốt - Ảnh: IT

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết khác với năm trước, năm nay Ý nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, chiếm tới hơn 50% giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này. Giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này sang Ý tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với cá ngừ đóng hộp, xuất khẩu thịt/loin (phần thịt thăn dọc sống lưng) cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng mạnh 71% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, nhập khẩu cá ngừ của Ý từ các nước năm nay chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 12 của thị trường này trong số hơn 33 nguồn cung. Hiện tại, Indonesia và Ecuador đang dẫn đầu về xuất khẩu cá ngừ sang Ý.

Theo các doanh nghiệp, các ưu đãi về thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (gọi tắt EVFTA) là một trong những nguyên nhân khiến cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam thu hút được các nhà nhập khẩu Ý, nhất là trong bối cảnh giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao như hiện nay.

Tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm khi hạn ngạch ưu đãi thuế quan được sử dụng hết, nhiều khả năng xuất khẩu sang Ý sẽ chững lại. Bên cạnh đó, nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EU vào tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước EU, trong đó có Ý sẽ bị ảnh hưởng.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, hiện không có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Ý. Tính đến hết tháng 6.2023, cả nước chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này.

Tại Việt Nam, sản lượng cá ngừ khai thác hàng năm (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và các loại khác) đạt hơn 200.000 tấn. Trong đó, riêng các chủng loại cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45.000 tấn, với sản lượng khai thác hàng năm từ 17.000 đến 21.000 tấn.

Trong những năm gần đây, cá ngừ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản và là nhóm mặt hàng có giá trị lớn thứ ba trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Các sản phẩm cá ngừ của nước ta đã xuất được sang hơn 100 thị trường trên thế giới; trong đó Mỹ, EU, Trung Đông và các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng từ 82-86% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Để quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm và hội nhập nghề cá khu vực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan về dự thảo "Kế hoạch quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam đến năm 2030".

Tuyết Nhung