Đạo diễn Đoàn Khoa: 'Sự trở lại kịch nghệ của tôi khá lạ lùng'!

Văn hóa - Ngày đăng : 15:30, 09/08/2023

Đạo diễn Đoàn Khoa là một trong những thành viên "đời đầu" góp sức thành lập sân khấu Idecaf. Anh được biết đến là một đạo diễn tài ba với nhiều vở diễn ăn khách.

Thế nhưng, 20 năm qua, anh vắng bóng trên sân khấu kịch và lại gây bất ngờ với sự không báo trước với vở kịch thể nghiệm Mình kể chuyện mình trong vai trò là tác giả và đạo diễn.

Nhân dịp này, Một Thế Giới có buổi trò chuyện cùng anh về nhiều vấn đề liên quan đến sân khấu.

PV: Chào đạo diễn Đoàn Khoa, sau nhiều năm không gặp trông anh vẫn rất trẻ trung "phong độ". Anh có thể cho biết lần gần nhất anh dàn dựng cho một vở diễn hay một chương trình liên quan đến sân khấu kịch là thời điểm nào?

Đạo diễn Đoàn Khoa: “Saigon cười” là chương trình “thuộc về kịch nghệ” mà tôi dàn dựng trên sân khấu vào năm 2005. Sau đó, tôi vẫn dàn dựng nhưng là một số chương trình thuộc về thể loại ca nhạc “chuyên đề” cho ca sĩ Cẩm Vân hoặc nhạc sĩ Phạm Duy…

dk.jpg
Đạo diễn Đoàn Khoa 

Vì sao anh chọn thời điểm này để trở lại. Và sự trở lại này có phải đánh dấu cho một hành trình nghệ thuật mới của anh hay chỉ là một chuyến ghé thăm sân khấu?

- Sau các chương trình kể trên, tôi hoàn toàn không có bất cứ một kế hoạch nào trên sân khấu kịch, tôi khá bi quan về thể loại này. Ngoài sân khấu, tôi còn vài dự án khác nghiêng về thể loại mỹ thuật nhiều hơn, do đó sự “trở lại” này (tạm gọi như vậy) nên xem như một sự xếp đặt hết sức ngẫu nhiên và lạ lùng. Giống như việc ta trồng một loại cây ăn trái - nếu có đủ điều kiện về thời tiết cũng như sự chăm sóc - nó sẽ phát triển và ngày nào đó nó cho ta trái ngọt, còn nếu ta thúc ép thì e rằng kết quả thu được sẽ không hay ho…

Tôi luôn luôn tin vào cái duyên mà trời đất đã sắp xếp. Việc thực hiện vở kịch này hoàn toàn ngẫu nhiên, ngoài dự tính, không chỉ phần tôi mà còn ở tất cả mọi người liên quan. Như đã nói, từ trước tới nay, tôi không có dự tính cho những gì sẽ xảy ra sắp tới, cho nên đừng nên coi đây là sự “trở lại” hoặc “ra đi”.

Anh có thể nói rõ hơn về hai chữ "bi quan" mà mình vừa nhắc đến, thưa anh. Đồng thời, anh có chia sẻ thêm những công việc anh đã và đang làm, ngoài kịch nghệ?

- Tôi xin trả lời phần hai của câu hỏi này trước. Như đã nói ở trên, ngoài sân khấu, tôi có vài “công việc” khác liên quan tới nghệ thuật, mỹ thuật… do đó tôi cần thời gian để thực hiện những ý tưởng này. Ngoài ra, suốt thời gian “vắng mặt” vừa qua, tôi đã viết được khá nhiều bằng những gì mình đã trải qua trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống. Có thể những thứ này sẽ được công bố trong một dịp thuận tiện, mà có khi là không, bởi nó thuộc về “riêng tư”. Chuyện này chiếm khá nhiều thì giờ của tôi, nó làm tôi vui và nhất là thấy được giá trị của những ngày mình đang sống.

Trở lại câu hỏi đầu tiên, tôi xin trả lời là tôi không lạc quan về đời sống của loại hình sân khấu. Từ lâu tôi không đi xem kịch và cũng không có mối liên hệ với những người đang hoạt động trong lĩnh vực này nên không thể cho ý kiến lẫn nhận xét. Tuy nhiên, thi thoảng đọc tin tức trên báo hoặc các phương tiện truyền thông, tôi biết các đồng nghiệp và những bạn bè cũ vẫn đang chật vật và xoay sở để tồn tại. Tôi cảm phục và kính trọng họ… nhưng tôi lại lo lắng rằng sự kiên nhẫn và lòng yêu nghề của họ còn có thể kéo dài cho tới lúc nào?

Những người trong lĩnh vực này phải xoay sở trong điều kiện hết sức khó khăn. Ngoài việc thiếu những kịch bản hay và đội ngũ nghệ sĩ “tươi mới”, họ còn thiếu nhiều ngành hỗ trợ để thực hiện những ý tưởng mà người nghệ sỹ nuôi dưỡng trong đầu; thiếu cả những công ty hỗ trợ và sản xuất “đặc cụ” dành riêng cho sâu khấu. Và điều đáng buồn nhất đó là những "nhà hát” đang tồn tại hiện nay thì hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, cấu trúc, cũng như thiết bị để đạo diễn và diễn viên có thể thực hiện được những ý tưởng của mình trong một vở được gọi là “thể nghiệm”.

Xin anh cho biết khái niệm kịch thể nghiệm qua vở Mình nói chuyện mình là gì?

- Nên hiểu “thể nghiệm” ở đây mang ý nghĩa “thí nghiệm” một điều gì đó mà trước đây người ta chưa làm, do đó công việc này sẽ đợi sự “phản hồi” của đối tượng nào đó mà mình hướng tới. “Thể nghiệm” có thể thông qua một hình thức khác lạ hoặc một nội dung mới, hoặc đôi khi là cả hai.

Ở vở kịch Mình nói chuyện mình này - tôi rất tự tin rằng câu chuyện mà mình đã viết không hề giống bất cứ một kịch bản nào từ trước tới giờ và tất nhiên – về mặt dàn dựng – tôi luôn luôn khác với những đồng nghiệp. Nếu trực tiếp đi xem vở diễn – quý vị sẽ thấy ngay sự khác biệt mà tôi vừa nêu.

Dự án này là ấp ủ của anh hay là anh được mời từ phía công ty của nghệ sĩ Hồng Ánh?

- Như đã nói ở trên, mọi thứ đều ngẫu nhiêu và tình cờ. Cái "duyên" đã khiến tôi và cô Hồng Ánh gặp nhau (xin “mở ngoặc” một chút rằng giữa hai chúng tôi, suốt vài chục năm qua, đã có vài lần làm việc cùng nhau nhưng nếu nói là “thân” thì chưa tới mức). Từ những chuyện "tào lao”, chúng tôi đã có nhiều điểm chung và đó là những hạt giống đầu tiên để gieo mầm cho dự án này.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp lại Hồng Ánh là sự ngạc nhiên bởi trong thời điểm khó khăn như thế này, vẫn còn có một nghệ sĩ còn mê nghề đến thế, trong khi tôi vẫn đang mang tâm trạng “bi quan” về loại hình nghệ thuật này.

Từ “ngọn lửa” của một nghệ sĩ tâm huyết đã khiến “bộ não” của tôi “hoạt động”. Sau một thời gian ngắn, tôi chia sẻ với Hồng Ánh những ý tưởng đầu tiên và những phác thảo này, tôi không ngờ là làm Hồng Ánh hào hứng và chuyện hợp tác để hoàn thành dự án là bước tiếp nối.

364540470_1044625676917723_6239004445029596061_n.jpg
Các nghệ sĩ tham gia vở kịch thể nghiệm "Mình kể chuyện mình"

Anh vẫn nhớ những ngày đầu tiên về chung tay gầy dựng Idecaf? Đoàn Khoa của hiện tại có khác gì so với Đoàn Khoa ngày ấy?

- Thời trước - theo trí nhớ của riêng tôi – việc hình thành sân khấu Idecaf cũng hoàn toàn ngẫu nhiên. Nó bắt đầu từ một nhóm bạn thích “rong chơi”. Không ngờ, từ chuyện ham vui cỏn con đó đã tạo dựng nền móng vững chắc cho một sân khấu uy tín và chất lượng đã ra đời.

Tôi ít khi đánh giá hoặc nhận định về mình. Điều này để người ngoài cảm nhận và đánh giá sự sự khác biệt của tôi rõ hơn.

Thành phần diễn viên trong "Mình nói chuyện mình" là do anh quyết định hay từ phía nhà đầu tư. Nếu là anh, xin anh cho biết thêm vì sao bên cạnh những gương mặt kỳ cựu như NSND Kim Xuân, Hồng Ánh, Quang Thảo.... anh lại chọn Huỳnh Ly - một gương mặt còn mới của kịch nghệ Sài Gòn?

- Việc chọn diễn viên tất nhiên phải được cân nhắc và bàn bạc kỹ sao cho dung hòa giữa đạo diễn và nhà sản xuất, nhất là việc triển khai, thực hiện sẽ diễn ra một cách thuận lợi nhất có thể. Vì chúng tôi không phải là một đoàn kịch thường xuyên cho nên việc mời diễn viên tham gia khá vất vả, hơn nữa, những người này đều có lịch làm việc dầy đặc. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian cho công việc tưởng như đơn giản này.

Trong 5 nhân vật trong vở kịch Mình nói chuyện mình, chỉ duy nhất có một cô gái trẻ. Tôi muốn một người thanh xuân bởi sự trẻ trung ấy sẽ gieo một làn gió mới cho sân khấu nói chung và vở kịch của tôi nói riêng. Huỳnh Ly khá thích hợp với nhân vật mà tôi viết sau khi xem một số ảnh từ Hồng Ánh chuyển qua.

Điều tôi lạc quan và hy vọng nhất đó là Huỳnh Ly đã được tham gia diễn xuất trong một đoàn kịch Pháp, nghĩa là cô ấy có thể diễn được nhiều phong cách và thực hiện được những yêu cầu mà đạo diễn đưa ra. Điều này rất cần đối với một vở kịch có kiểu diễn “không giống ai” này.

Xin nói thêm – tôi là người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa cũng như nghệ thuật Pháp.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện và chúc các buổi diễn của anh thành công!

Nguyễn Huy (Thực hiện)