TS Nguyễn Đình Cung: Cần hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp thật nhanh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 10/08/2023
Nhìn về nửa cuối năm, nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế như thể chế, pháp lý, môi trường kinh doanh, thị trường trái phiếu DN, thị trường bất động sản… vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, kinh tế thế giới nửa cuối năm vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định tình hình kinh tễ vẫn còn khó khăn. Theo đó, muốn thúc đẩy tăng trưởng, phát triển DN thì yếu tố cải cách bên trong mới là mấu chốt.
“Thông thường, mỗi lúc khó khăn ở bên ngoài thì bên trong có một động lực rất mạnh để cải cách, thay đổi. Đáng tiếc rằng thời điểm hiện nay, tuy Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, tôi không nhìn thấy những cải cách để bù đắp được khó khăn từ bên ngoài”, ông Cung nói.
Về chính sách tài khóa, ông Cung cho rằng “chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ DN, thậm chí còn làm tăng chi phí cho DN”, ông nói. Ví dụ, chương trình phục hồi DN với số vốn khá lớn nhưng việc triển khai, giải ngân chỉ được một tỷ lệ rất thấp. Đó là vấn đề cần phải mổ xẻ.
Theo ông Cung, trong lúc DN đang thiếu vốn, thì chính sách tài khóa sẽ kích cầu tốt hơn chính sách tiền tệ. Do đó, những thứ ngân sách vẫn "chiếm dụng" của DN như thuế giá trị gia tăng (VAT), cần hoàn lại thật nhanh, không để tạo bức xúc cho DN; đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT. Chỉ có như thế thì cầu của nền kinh tế mới có thể tăng lên.
“Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kỳ vọng.
Theo ông Cung, cải cách môi trường kinh doanh là vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí, giảm rào cản tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của DN.
“Thời gian gần đây không có những thứ như vậy, thậm chí có những thứ tạo thêm nhiều rủi ro hơn, nhiều chi phí, nhiều bất định hơn cho hoạt động kinh doanh của DN”, ông Cung nhấn mạnh.
Dẫn chứng, ông cho biết các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một quy định động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế. Điều này làm tăng chi phí tuân thủ ở mức cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng rất nhiều nhưng vẫn không thay đổi.
“Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho DN trong nước mà cả DN đầu tư nước ngoài”, ông Cung nêu.
Tiếp theo, đề cập đến vấn đề thủ tục hành chính kéo dài do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức, ông Cung cũng cho rằng điều này làm tăng thêm chi phí cho DN.
“DN mất thêm chi phí do thủ tục kéo dài nhưng vẫn không biết được công việc của mình có giải quyết được hay không”, ông Cung nêu.
Ông Cung cho rằng, không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, nhưng có thể chọn một số thứ có thể thực hiện ngay. Ví dụ là hoàn thuế VAT vì DN rất cần vốn. Ngân sách hiện nay không nên bàn đến chuyện tăng thu và không giao chỉ tiêu tăng thu ngân sách.
Ông Cung nói và cho biết, theo kinh nghiệm của ông thì Thủ tướng phải đích thân xuống Tổng cục Thuế làm việc để tháo gỡ vướng mắc. “Phải như vậy thì may ra mới có thể tạo được áp lực để thay đổi. Nếu không thì mục tiêu nhiệm kỳ không thể đạt được”, ông Cung nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến 2 xu hướng đang diễn ra, một là cạnh tranh gia tăng và hai là tiêu dùng xanh.
"Sự cạnh tranh không chỉ giữa các DN, mà còn gia tăng giữa các quốc gia trên thị trường xuất khẩu khi tình hình thế giới khó khăn, vì vậy, ngay cả khi tình hình kinh tế thế giới thay đổi tích cực hơn, không có nghĩa các DN Việt Nam đương nhiên được hưởng lợi theo xu hướng", ông Hiếu chia sẻ quan điểm.
Thêm vào đó, theo ông Hiếu, tiêu dùng xanh là xu hướng không thể đảo ngược. DN không có chiến lược thay đổi theo xu hướng xanh sẽ kém cạnh tranh và mất dần thị trường. Do đó, trong bối cảnh này, việc cải cách trong nước, mà cụ thể là cải cách thể chế sẽ càng quan trọng cả về ngắn và dài hạn.
“Hiện vẫn có những DN phải lo lắng thêm về rào cản pháp lý, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này cho thấy nhu cầu cải cách và tác động của việc cải cách vẫn còn rất lớn”, ông Hiếu nói và cho hay “Chính phủ đã nhìn ra vấn đề và có giải pháp mạnh mẽ. Điều quan trọng hiện nay là khả năng thực thi đến đâu”.