Bộ Công Thương công bố các quy hoạch ngành quốc gia 'đặc biệt quan trọng'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:00, 09/08/2023
Đại diện Bộ Công Thương đã thông tin nội dung chính của các quy hoạch. Theo đó, quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia hướng tới mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 - 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 - 311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước lên 75 - 80 ngày nhập ròng vào năm 2030, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Về quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt bảo đảm hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030. Dự trữ thương mại chứa tăng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng.
Dự trữ quốc gia bảo đảm sức chứa từ 500.000 - 1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1 - 2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; bảo đảm sức chứa từ 500.000 - 800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Về khí đốt, bảo đảm hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030; đối với LNG đạt 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Mục tiêu của quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.
Những chính sách đột phá
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành năng lượng, đưa giá năng lượng vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh; áp dụng các công cụ thị trường thúc đẩy tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo phục vụ chuyển đổi năng lượng; xây dựng và áp dụng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ trong việc tổ chức triển khai Quy hoạch năng lượng quốc gia.
Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã phân loại cụ thể các nguồn vốn, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn tư nhân dành cho từng lĩnh vực. Vốn từ ngân sách nhà nước chỉ dành cho hoạt động điều tra tài nguyên, xây dựng dữ liệu về khoáng sản, hoặc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dành cho khai thác, chế biến, đầu tư công nghệ mới…
Hướng đến kinh tế xanh
Các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản cũng đã tạo dựng mối kết ngành, liên kết vùng; thiết kế đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể các ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế, được tổ chức khoa học, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của từng vùng, từng địa phương, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của toàn nền kinh tế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo vệ môi trường sinh thái.
Việc tuân thủ chính sách bảo vệ môi trường sinh thái được thực hiện đồng thời trên nhiều lĩnh vực, gồm ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trên thế giới, thúc đầy chuyển đổi số, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất phần lớn các thiết bị năng lượng; xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ hiệu suất cao, phát thải thấp, thân thiện với môi trường; hoàn thiện các công cụ tài chính đối với các loại phát thải, tác động môi trường trong sản xuất và sử dụng năng lượng nhằm tạo điều kiện cho các loại hình năng lượng sạch có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được xem là những điểm nhấn nổi bật trong ba quy hoạch ngành về năng lượng.
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc bộ khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch thực hiện quy hoạch; tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế…
Đối với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cần rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong các quy hoạch ngành về năng lượng, khoáng sản để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành có liên quan và quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch...