Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kết luận về đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:05, 10/08/2023
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM giao Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh đề án.
Cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh đề án, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, có cơ sở thực tiễn và khoa học, có tính thuyết phục cao, phù hợp quy hoạch, định hướng của trung ương và thành phố, phát huy hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, song song với tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ sau cảng.
Ban Thường vụ Thành ủy lưu ý bổ sung các căn cứ, yếu tố lịch sử, dự báo khả năng có thể xảy ra và chủ động có phương án hạn chế tối đa những tác động tiêu cực (môi trường sinh thái, đời sống dân cư...) khi triển khai thực hiện đề án.
Trên cơ sở đó, UBND TP sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy trình, quy định.
Quá trình triển khai thực hiện, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các vấn đề vượt thẩm quyền, cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.
Theo đề án, cảng được xây tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển. Đồng thời, khu vực này không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của TP.
Mục tiêu là nghiên cứu xây dựng cảng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu teu.
Liên quan đến đề xuất dự án, ngày 18.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa, nhằm tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo và làm việc với các nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai. Thủ tướng nhận xét vị trí đề xuất thực hiện cảng biển có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế. Song, cảng này không cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải mà chỉ bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.
Ban Cán sự đảng UBND TP đánh giá khi xây dựng cảng sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại.
Đồng thời, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, người lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục ngàn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...
Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).
Về quy mô: tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km.
Tổng diện tích xây dựng cảng khoảng 571ha, trong đó khoảng 469ha là cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… và hơn 101ha là diện tích vùng nước hoạt động cảng.
Cảng sẽ khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn (356 teu).