Ngành y tế TP.Cần Thơ phải đi đầu trong chuyển đổi số ở ĐBSCL
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:10, 10/08/2023
TS-BS Hoàng Quốc Cường khẳng định "Hội thảo nhằm mục đích xây dựng các giải pháp về chuyển đổi số trong toàn ngành y tế TP.Cần Thơ: Hệ thống thông tin quản lý tổng thể bệnh viện, bệnh án điện tử, PACS/RIS; hồ sơ sức khỏe điện tử; phần mềm V20 theo quyết định số 3532/QĐ- BYT; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu; trung tâm điều hành y tế; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế".
Hội thảo còn giúp các cơ sở y tế trên địa bàn, ngành y tế các địa phương ở ĐBSCL có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số. Hội thảo giúp cho các đại biểu được tiếp cận, trải nghiệm các sản phẩm số hóa từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về công nghệ thông tin đến từ Israel, Mỹ, Ấn Độ…
Trong thời gian qua, ngành y tế TP.Cần Thơ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ của đề án phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở quốc gia về dân cư; ứng dụng hiệu quả CNTT trong công tác khám chữa bệnh; triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip, thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả CNTT phòng chống đại dịch COVID-19...
TP.Cần Thơ là địa phương phát động chuyển đổi số, có kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế và đề án xây dựng nền y tế thông minh và triển khai thực hiện sớm. Với những kết quả đạt được, Cần Thơ đã bước đầu thể hiện vai trò dẫn đầu, tạo sự lan tỏa về chuyển đổi số y tế vùng ĐBSCL. Chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, ngành y tế lấy người bệnh, người dân là trung tâm, là mục tiêu phục vụ.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp CNTT giới thiệu những phần mền quản lý bệnh viện, phần mềm phục vụ trong khám chữa bệnh; những giải pháp triển khai ứng dụng CNTT toàn diện tại cơ sở khám chữa bệnh; xây dựng bệnh án điện tử để thay thế bệnh án giấy; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân khi đăng ký và trong quá trình khám chữa bệnh; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, nhận dạng sinh trắc học khi khám chữa bệnh BHYT...
Ông Phạm Xuân Việt, Phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ, đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng "Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành phải đảm bảo có dữ liệu tổng thể, toàn diện, có phương tiện phục vụ trực tuyến, thông minh công tác quản lý, điều hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; đầu tư hạ tầng đồng bộ, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng".
Cũng theo ông Việt, TP.Cần Thơ và ĐBSCL cần khắc phục tình trạng thiếu nhân lực phục vụ chuyển đổi số của ngành y tế; thiếu trang thiết bị cần thiết phục vụ điều này; tình trạng an toàn an ninh mạng phải đảm bảo cho ngành.
Phát biểu tại hội thảo, GS-TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng “Chuyển đổi số không phải là việc riêng của đơn vị chuyên môn, đơn vị quản lý mà là công việc của tất cả các đơn vị, cá nhân trong ngành. Ngành y tế TP.Cần Thơ cần tiếp tục phát huy sự chủ động, sáng tạo, bài bản, khoa học, ưu tiên nguồn lực cho công tác này. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT một cách tổng thể, toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
Ngành y tế Cần Thơ cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hồ sơ số về sức khỏe điện tử, quản lý sức khỏe người dân; triển khai phần mềm quản lý tổng thể trạm y tế, có đầy đủ các chức năng cần thiết. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong ngành y tế Cần Thơ phải hợp tác, gắn bó với các đơn vị của Bộ Y tế đóng trên địa bàn. Ngành y tế Cần Thơ phải đi đầu trong chuyển đổi số ở ĐBSCL...”.