Những gam màu sáng trong bức tranh trái phiếu doanh nghiệp
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:00, 12/08/2023
Thị trường có dấu hiệu hồi phục
Theo Bộ Tài chính, sau hàng loạt động thái tích cực từ cơ quan quản lý giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và sự cộng hưởng tích cực từ các chính sách tài khóa và tiền tệ, đến nay thị trường TPDN đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21.7.2023 có 36 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 61,2 nghìn tỉ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó doanh nghiệp BĐS chiếm 55% (33,3 nghìn tỉ đồng); 60,91% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trước hạn là 130,4 nghìn tỉ đồng (gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Cũng theo Bộ Tài chính, kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5.3.2023), khối lượng TPDN phát hành là 60,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 99% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Dư nợ TPDN tại thời điểm 21.7.2023 khoảng 1,03 triệu tỉ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Có thể thấy, trong số các chính sách đã được ban hành, về mặt luật pháp có thể kể đến Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5.3.2023 (Nghị định 08). Đây là nền tảng pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và nợ trái phiếu nói riêng.
Kể từ khi Nghị định 08 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu thành công thông qua việc tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ và điều chỉnh tăng lãi suất lên để bù lại quyền lợi của nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc pháp chế Công ty Weland cho rằng sau khi Nghị định 08 được ban hành, hoạt động đàm phán để gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa đơn vị phát hành và các trái chủ diễn ra rất tích cực. Kết quả là đã có hơn 30 đơn vị phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn với tổng giá trị trái phiếu được gia hạn là 42.000 tỉ đồng.
“Đây là 1 tín hiệu rất tích cực thể hiện sự đồng hành của các trái chủ và đơn vị phát hành, giúp đơn vị phát hành có thêm thời gian để thu xếp tài chính, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tránh sự đổ vỡ liên hoàn. Các doanh nghiệp đã đàm phán gia hạn thành công chủ yếu là trong ngành BĐS, với thời gian được gia hạn phổ biến từ 12 - 24 tháng”, ông Tuấn nói.
Hoạt động mua lại TPDN tiếp tục tăng
Nhiều gam màu sáng đã xuất hiện trong bức tranh TPDN. Ngoài việc đàm phán gia hạn, việc mua lại trái phiếu trước hạn cũng rất sôi nổi, tổng giá trị TPDN được mua trước hạn trong quý 2/2023 đạt 62.500 tỉ đồng gần gấp đôi giá trị mua lại của quý 1 (35.000 tỉ đồng), đẩy số lũy kế giá trị mua trước hạn lên tới 97.000 tỉ đồng. Việc tăng mạnh giá trị mua lại chủ yếu là từ nhóm ngân hàng, với giá trị mua lại 39.800 tỉ đồng.
Theo ông Phạm Thanh Tuấn, hệ quả của việc ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu là tiền từ ngân hàng được đẩy ra ngoài thị trường, trả cho các trái chủ. Từ đó, các trái chủ, các nhà đầu tư có thêm nguồn tiền để lựa chọn các kênh đầu tư khác an toàn hơn, kỳ vọng lợi nhuận cao hơn và bất động sản có thể là một lựa chọn khi thị trường BĐS đang dò đáy với nhiều sản phẩm giá hấp dẫn.
Ông Tuấn cho rằng các hoạt động mua lại TPDN sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các quý tiếp theo bởi nhu cầu tín dụng yếu, 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 4,03%, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, mặt bằng lãi suất giảm nên việc mua lại trái phiếu có chất lượng tốt là hoạt động đầu tư có lợi cho ngân hàng, đồng thời NHNN mới phân bổ hết room tín dụng trong cả năm 2023 ở mức 14%, nên các ngân hàng thương mại sẽ có nhiều dư địa hơn cho hoạt động này.
Quý 2/2023 có 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm thanh toán lãi hoặc gốc, với tổng dư nợ khoảng 159,5 nghìn tỉ, chiếm 14,6% dự nợ toàn thị trường. So với số thống kê tại ngày 24.4.2023 thì số doanh nghiệp chậm trả đã là 57 với giá trị 152.700 tỉ đồng.
Như vậy, theo ông Tuấn, số doanh nghiệp quá hạn tăng thêm trong quý 2 là thấp, chỉ bổ sung 2 doanh nghiệp với tổng giá trị tăng thêm là 7 nghìn tỉ. Điều này chứng tỏ các biện pháp giảm áp lực quả bóng trái phiếu đang có các kết quả tích cực tới thị trường.
Áp lực đáo hạn vẫn lớn
Ngoài các gam màu sáng rất tích cực của thị trường trái phiếu nêu trên thì quả bóng đáo hạn đang tiếp tục áp sát các tổ chức phát hành. Sau khi trừ đi phần giá trị đã mua trước hạn, thì tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 là 223 nghìn tỉ (9,3 tỉ USD), quý 3 sẽ tiếp tục là cao điểm với 76.000 tỉ đến hạn (3,1 tỉ USD), giá trị đáo hạn nửa cuổi năm 2023 cao hơn 6 tháng đầu năm 29,4%.
Theo ước tính của VNDirect, trong tháng 8.2023 sẽ có khoảng hơn 27,9 nghìn tỉ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn, cao hơn khoảng 31% so với tháng 7.2023.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 19.7.2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại HNX đã chính thức được khai trương, dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Hệ thống đi vào hoạt động sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường, nâng tính công khai, minh bạch, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thông tin về thị trường thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn”, ông Dương nói.
Tuy nhiên, ông Dương cũng lưu ý nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường thứ cấp thì phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải nắm bắt được các rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải là rủi ro của các tổ chức phân phối và nó cũng khác với tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư phải đánh giá được đầy đủ các rủi ro đó để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Để thị trường ngày càng vận hành tốt hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng giải pháp quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Khi đó, doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, qua đó sẽ có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ TPDN nói riêng.