Nắng nóng khắc nghiệt đang đẩy giới hạn chịu đựng của con người tới mức nào?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:03, 14/08/2023
Tháng 7.2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Nó thậm chí có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Đó chỉ là một trong chuỗi các kỷ lục về nhiệt bị phá vỡ. Đợt nắng nóng kỷ lục vẫn đang kéo dài ở Tây Nam nước Mỹ. Vào năm 2020, nhiệt độ đã tăng lên 38 độ C ở Siberia, đánh dấu mức cao nhất từng được ghi nhận ở Vòng Bắc Cực.
Sức nóng đã thử thách giới hạn của chính cơ thể con người dẫn đến những hậu quả bi thảm. Năm 2003, ước tính có khoảng 70.000 người chết vì một đợt nắng nóng ở châu Âu. Vào năm 2022, một đợt nắng nóng khác đã khiến khoảng 62.000 người thiệt mạng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ thể con người có thể thích nghi với nhiệt độ nhưng chỉ đến một mức độ nhất định.
Kristie Ebi, người nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sức khoẻ tại Đại học Washington (Mỹ), cho biết: "Cơ thể hoạt động khá vất vả để giữ nhiệt độ cốt lõi trong một phạm vi khá hẹp. Nếu bạn không thể hạ nhiệt độ cơ thể cốt lõi đó thì các tế bào và cơ quan nội tạng sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng".
Ebi và các đồng nghiệp đã viết trong một bài đánh giá trên tạp chí Lancet vào năm 2021 rằng các đợt nắng nóng kéo dài khiến cơ thể chúng ta bị căng thẳng, có thể gây ra một loạt tác động dẫn đến thương tích vĩnh viễn hoặc tử vong. Các đợt nắng nóng cũng trở nên ẩm ướt hơn, hạn chế khả năng hạ nhiệt của cơ thể và ban đêm ngày càng nóng hơn, làm giảm thời gian con người có thể nghỉ ngơi và hồi phục. Cả 2 xu hướng này đều làm giảm khả năng thích ứng với nhiệt độ tăng cao của con người.
Cơ thể con người có 2 con đường chính để giữ mát. Đầu tiên là đổ mồ hôi. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, các tuyến mồ hôi trên da giải phóng nước ra khỏi lỗ chân lông. Nước đó hấp thụ nhiệt khi nó bay hơi, từ đó giúp làm làm mát cơ thể. Đồng thời, cơ thể chuyển hướng máu lên bề mặt da bằng cách làm giãn các mạch máu ngay dưới da và tim bơm máu mạnh hơn, đó là lý do tại sao nhiều người trông đỏ bừng khi nóng. Điều này cho phép máu phân tán nhiệt tốt hơn ra không khí xung quanh.
Trong một phạm vi nhất định, các hệ thống này hoạt động phối hợp với nhau để giữ cho nhiệt độ bên trong cơ thể ở mức an toàn, thường là khoảng 37 độ C. Thật không may, Trái đất không chỉ trở nên nóng hơn mà nó còn trở nên nóng hơn theo những cách khiến cơ thể chúng ta khó thích nghi hơn.
Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các đợt nắng nóng không chỉ nóng hơn và kéo dài hơn mà đặc biệt là ẩm ướt hơn. Rachel Cottle, người nghiên cứu về điều chỉnh nhiệt độ tại Penn State, cho biết: "Điều đó đang trở nên nguy hiểm hơn vì độ ẩm đóng vai trò là rào cản đối với quá trình cơ thể tự làm mát. Vì không khí ẩm chứa đầy nước nên mồ hôi không bay hơi như ở vùng khí hậu khô".
Ngay cả ban đêm cũng không mang lại nhiều thời gian nghỉ ngơi. Thông thường, ban đêm mát hơn nhiều so với ban ngày, giúp cơ thể toả nhiệt vào ban đêm. Song nhiệt độ toàn cầu vào ban đêm đang tăng nhanh hơn nhiệt độ ban ngày và khi ban đêm trở nên ấm hơn, trái tim phải làm việc nhiều hơn.
Kelton Minor, một nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Columbia (Mỹ), người nghiên cứu về rủi ro khí hậu, cho biết những đêm nóng hơn cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người.
Trong một nghiên cứu năm 2022 về hành vi giấc ngủ toàn cầu, Minor và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng vào những đêm nóng bức con người thường ngủ ít hơn, mất nhiều thời gian hơn để chìm vào giấc ngủ và thức dậy sớm hơn với những đêm mát mẻ.
Một nghiên cứu khác đã liên kết giấc ngủ kém với việc giảm sức khoẻ tim mạch và tăng nguy cơ chấn thương, lo lắng, trầm cảm hoặc thậm chí là bạo lực súng đạn và tự sát.
Sự kết hợp giữa nhiệt độ tăng, độ ẩm cao và đêm nóng hơn ảnh hưởng lớn đến hệ thống làm mát cơ thể. Khi trời quá nóng trong thời gian quá dài, mọi thứ có thể bắt đầu trở nên tồi tệ.
Việc đẩy lượng máu về phía da buộc tim phải làm việc nhiều hơn đồng thời làm giảm lượng máu giàu oxy cung cấp cho tim. Trong vài giờ, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong tim và cuối cùng là suy tim.
Ebi cho biết điều này giúp giải thích tại sao suy tim mạch là nguyên nhân gây ra khoảng một nửa số ca tử vong ở người lớn tuổi trong các đợt nắng nóng. Nửa còn lại xảy ra khi các cơ quan khác, đặc biệt là phổi, không hoạt động dưới áp lực xử lý nhiệt, một phần là do thiếu oxy. Thông thường, những rủi ro này xuất hiện ở những người mắc các bệnh từ trước như bệnh tiểu đường hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Những rủi ro này đặc biệt cao nếu cơ thể không thể giữ nhiệt độ ổn định. Trong trường hợp đó, nhiệt độ cốt lõi của cơ thể bắt đầu tăng lên đến mức nguy hiểm. Khi nhiệt độ bên trong của một người lên đến khoảng 38 độ C, họ có thể bị kiệt sức vì nóng, dẫn đến ngất xỉu, nhức đầu, chóng mặt và đổ mồ hôi nhiều.
Nếu không được kiểm soát, tình trạng kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Ở đây, nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C. Nhiệt có thể giết chết các tế bào và cản trở chức năng của các cơ quan nội tạng. Các triệu chứng bao gồm da nóng và khô, mê sảng và thậm chí co giật. Nếu không can thiệp ngay lập tức, sốc nhiệt có thể dẫn đến suy nội tạng, thương tật vĩnh viễn và tử vong.
Ngay cả việc đổ mồ hôi cũng có thể tiềm ẩn rủi ro. Nếu không uống đủ nước khi đổ mồ hôi nhiều, cơ thể bắt đầu bị mất nước. Mất nước có thể làm máu đặc lại, gây thêm căng thẳng cho tim. Nó cũng gây áp lực lên thận, cơ quan cần nước để lọc chất độc và chất thải ra khỏi cơ thể. Trong trường hợp mất nước mãn tính, như với một số người làm việc ngoài trời, nó có thể dẫn đến bệnh thận.
Mặc dù những triệu chứng này và hậu quả của chúng có vẻ nghiêm trọng, nhưng "các cơ chế này diễn ra trong nhiều giờ. Chúng không xảy ra tức thời". Ebi cho biết mọi người thường bắt đầu cảm thấy rõ các triệu chứng trước khi họ phải đi cấp cứu. Điều này đồng nghĩa là thường có đủ thời gian để hành động và giúp ngăn chặn những kết quả tồi tệ nhất.
Mọi người nên cung cấp đủ nước trong các đợt nắng nóng khắc nghiệt. Bên cạnh đó, cũng nên bật điều hòa nhiệt độ nếu có thể. Nên ở trong nhà và tránh hoạt động mạnh vào những giờ nắng nóng nhất trong ngày. Việc đắp một chiếc khăn mát lên cổ, sử dụng quạt ở nhiệt độ ẩm hoặc nhúng tay hoặc chân vào bồn nước lạnh cũng có thể giúp làm mát cơ thể.