Tưởng mắc bệnh ung thư, thiếu niên 17 tuổi bất ngờ phát hiện bị hóc xương cá

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:12, 14/08/2023

Diều trị thời gian dài, nhưng khối u ngày càng diễn biến nặng, nam thiếu niên 17 tuổi hoảng sợ, nghi bị bệnh ung thư. Khi đến Bệnh viện ung Bướu TP.HCM kiểm tra thì phát hiện khối áp xe do bị hóc xương cá.

Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) cho hay, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp hóc xương cá hy hữu “di cư” từ đường ăn ra vùng cổ khiến bệnh nhân nghi ngờ bị ung thư.

tuong-mac-benh-ung-thu-nam-hieu-nien-bat-ngo-phat-hien-bi-hoc-xuong-ca-hinh-anh-1(1).png
Chiếc xương cá bị mắc ở  vùng cổ bệnh nhân đã được các bác sĩ gắp ra ngoài - Ảnh: BVCC

Theo bệnh nhân T.Đ.T (17 tuổi, ngụ tại tỉnh Kiên Giang), cách đây khoảng 6 tháng, em có dự một bữa tiệc tại địa phương. Tại đây, T. uống khá nhiều nên bị say xỉn, không kiểm soát được hành vi. Ngày hôm sau, khi nuốt thì T. Thấy vướng vướng tại vùng cổ. Say vài ngày, T. phát hiện vùng cổ nổi lên một khối u. Người nhà đưa T. đến khám tại một bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ không phát hiện bất thường và chẩn đoán T. bị viêm hạch. T. được điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ, nhưng khối u ở cổ ngày càng to thêm, đau nhức.

Bệnh nhân và người nhà quá lo lắng, nghĩ chắc bị ung thư nên đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM kiểm tra thì phát hiện khối áp xe ở vùng cổ chứa dị vật nên quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tai Mũi Họng.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết, qua thăm khám ghi nhận, bệnh nhân có một khối sưng cứng vùng dưới cằm lệch về bên phải, đường kính khoảng 3cm, ấn đau nhẹ. Hình ảnh CT-Scan ghi nhận dị vật dài khoảng 1,5cm nằm ở sàn miệng gây biến chứng áp xe mô mềm xung quanh. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân.

tuong-mac-benh-ung-thu-nam-hieu-nien-bat-ngo-phat-hien-bi-hoc-xuong-ca-hinh-anh.png
Qua chụp CT-Scan ghi nhận dị vật dài khoảng 1,5cm nằm ở sàn miệng gây biến chứng áp xe mô mềm xung quanh.- Ảnh: BVCC

“Sau khi tiến hành rạch ổ áp xe, dẫn lưu mủ, chúng tôi phải rất khó khăn mới tìm được chiếc xương cá và gắp ra ngoài. Bệnh nhân đã may mắn không bị tổn thương những mạch máu lớn. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đang bình phục tốt”, bác sĩ Thu cho biết thêm.

Theo TS.BS Trần Quang Minh – Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, hóc dị vật đường ăn là tai nạn gặp nhiều trong cộng đồng. Tuy nhiên, trường hợp bị hóc xương cá trong thời gian kéo dài cả 6 tháng, chiếc xương di chuyển từ đường ăn ra vùng cổ là trường hợp rất hiếm gặp.

Mỗi năm Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận khoảng 3.000 trường hợp hóc dị vật. Hầu hết bệnh nhân hóc dị vật ở vị trí vùng hạ họng, thanh môn, thực quản. Tuy nhiên, có những trường hợp xương cá, hoặc xương gia súc, gia cầm... di chuyển từ sàn miệng đi ra da hoặc đi xuống dưới vùng tuyến giáp gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm trung thất, thủng mạch máu, áp xe nguy hiểm tính mạng.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Minh khuyến cáo người dân trong quá trình ăn uống cần chú ý lừa xương trước khi nuốt, không nên vừa ăn vừa nói hoặc đùa giỡn. Với trẻ nhỏ và người cao tuổi, trong quá trình chế biến thức ăn cần phải loại bỏ triệt các loại xương. Trường hợp nghi ngờ hóc xương phải đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để được phát hiện, điều trị kịp thời.

Hồ Quang