Tàu hàng tránh Biển Đen sau vụ Nga bắn cảnh cáo
Chuyển động - Ngày đăng : 09:32, 15/08/2023
Ngày 13.8, tàu tuần tra Vasily Bykov của Nga bắn cảnh cáo tàu hàng Sukru Okan treo cờ Palau trên Biển Đen vì thuyền trưởng không hồi đáp yêu cầu dừng lại kiểm tra. Sukru Okan sau đó chuyển hướng di chuyển dọc sông Danube để tiếp tục hành trình tới cảng Izmail của Ukraine.
Một số nguồn tin ngành bảo hiểm cho biết phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh ngày 14.8 vẫn ổn định, nhưng không loại trừ khả năng tăng nếu có tàu nào đó bị chìm hoặc hư hại.
Phí bảo hiểm rủi ro Biển Đen thường được gia hạn mỗi tuần một lần (bên cạnh phí bảo hiểm hằng năm), ước tính lên đến hàng chục nghìn USD/tàu/chuyến.
Dữ liệu từ công ty phân tích MarineTraffic cho thấy có ít nhất 30 tàu đã thả neo quanh vịnh Musura ở Biển Đen, nơi dẫn đến một con kênh liên kết với Izmail. Ít nhất 20 tàu chuẩn bị đến Izmail. Ngoài ra còn ít nhất 35 tàu thương mại đang chờ gần cảng Constanta của Romania, nhiều hơn so với 15 chiếc tuần trước.
Nhiều tàu thông báo điểm đến là các cảng tại Romania. Giới chức nước này ngày 14.8 tuyên bố họ đặt mục tiêu tăng lượng ngũ cốc Ukraine vận chuyển đến Constanta mỗi tháng lên 4 triệu tấn.
Vụ Nga bắn cảnh cáo Sukru Okan xảy ra sau khi hải quân Ukraine tuần trước thông báo thiết lập một hành lang nhân đạo cho phép hàng chục tàu hàng mắc kẹt tại các cảng của nước này di chuyển trên Biển Đen.
Hành lang nhân đạo chủ yếu được sử dụng cho tàu dân sự cập cảng Chornomorsk, Odesa và Pivdenny kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Tàu có chủ sở hữu hoặc thuyền trưởng xác nhận sẵn sàng ra khơi trong điều kiện hiện tại sẽ được phép di chuyển qua hành lang.
Ước tính có khoảng 60 tàu vẫn bị mắc kẹt. Công ty bảo hiểm tàu biển Na Uy Gard nhận xét: “Đảm bảo an ninh cho hoạt động vận chuyển theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen không còn hiệu lực có nghĩa loạt cảng của Ukraine trên Biển Đen bị phong tỏa, tàu thương mại không thể tiếp cận”.
Nga tuyên bố chỉ chấp thuận khôi phục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen nếu nhận được điều khoản tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (một trong hai bên làm trung gian giúp đạt thỏa thuận) bày tỏ hy vọng sẽ thuyết phục được người đồng cấp Vladimir Putin đảo ngược quyết định.